Tìm đọc thông tin về Trần Đạt – Stylist đứng sau sự tỏa sáng của rất nhiều mỹ nhân Việt tại các đấu trường sắc đẹp thế giới, chúng tôi tự hỏi, còn điều gì mà anh chưa kể trong những bài phỏng vấn trên báo chí. 28 tuổi, chàng stylist này ghi dấu ấn mạnh mẽ với công chúng bởi cá tính thời trang đặc biệt. Nhưng ít ai biết rằng, thành công của Trần Đạt còn là niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng sáng tạo Arena Multimedia – Nơi anh đã từng học tập và tìm kiếm cơ hội trong những ngày đầu tiên quyết định sống hết mình với đam mê. 

Vì vậy, bài phỏng vấn này không chỉ có một stylist đình đám, mà còn có một Trần Đạt với những câu chuyện “đời” nhất trên hành trình chinh phục hoài bão lớn. Hãy đừng nhìn anh chỉ qua những chiếc váy áo lấp lánh, bởi ở bên trong tất cả sự hào nhoáng đó, là một cái tôi chọn thời trang làm lẽ sống, kể cả khi phải đối diện với rất nhiều sự nghi hoặc. Sau tất cả, Trần Đạt mang đến cho chúng ta một câu chuyện đẹp không kém những bộ cánh lộng lẫy xuất hiện trên thảm đỏ…

Đạt có thể nói về hành trình bước chân vào thế giới xa hoa của thời trang và giải trí?

Từ lúc nhỏ mình đã có đam mê với vẽ, với màu sắc và thời trang. Thời đó ở dưới quê khi nói về thời trang, người ta chỉ biết đến hai khái niệm “nhà may” và “người mẫu”, chẳng ai biết đến “nhà thiết kế” là gì và “stylist” thì lại càng là điều gì đó vô cùng lạ lẫm. Sự tụt hậu ở miền quê nghèo chẳng vì thế mà tước đi được đam mê với thời trang vốn đã được nung nấu. Quầy sách báo cũ trở thành nơi mình lui đến mỗi cuối tuần để đem về nhà những quyển tạp chí thời trang, dù không phải bản mới nhưng cũng đủ giúp mình tôi luyện sự đam mê, kiến thức và những hiểu biết cơ bản về ngành trong suốt những năm trung học. 

Nhờ sạp báo cũ, mình biết đến anh Công Trí, mình thuộc làu làu tên các nhà thiết kế, các sự kiện, lễ trao giải hay show diễn của Aquafina từ những năm cuối của thập niên 2000. Khi đó, mình biết rằng mình đã bị thời trang, những bộ quần áo hay váy vóc mê hoặc đến điên cuồng, đó không phải là sở thích một sớm một chiều hay đơn thuần yêu cái đẹp, mà đó là động lực thúc đẩy để được sống trong thế giới ở những trang báo mà mình hay xem.

Sài Gòn hoa lệ luôn rực rỡ trong mắt của những người trẻ ở quê lần đầu đặt chân đến, thành phố này đem đến niềm hy vọng về một tương lai tự do xây dựng sự nghiệp. Mình đã từng mơ như thế trong năm đầu tiên lên Sài Gòn để học ngành Kiến Trúc. Ở đâu cũng vậy, hoàn cảnh thường sẽ là điều chi phối phần lớn đến quyết định của mỗi người. Vì vậy, trong một thời điểm nào đó, hai chữ “đam mê” vẫn phải có lúc nhún nhường trước bốn chữ “cơm áo gạo tiền”, và dù có thích thời trang đến mấy thì trước tiên, mình vẫn phải thực tế chọn học và làm những nghề có thể nuôi sống bản thân.

Dẫu vậy, mình chưa bao giờ từ bỏ đam mê dù có học trái ngành, mình vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức về ngành, sách báo vẫn được mua về đều đặn để cập nhật xu hướng cho bản thân. Để khi cơ hội có bất ngờ đến, mình sẽ không ngần ngại bắt lấy để được một lần sống thử với nghề. Và đó là lúc mình trở thành trợ lý cho anh Mì Gói, chính thức bắt đầu bước vào thế giới của những trang báo mà mình từng mân mê tự thuở nào.

Nhà thiết kế thời trang là định nghĩa gần với stylist đúng không?

Hồi trước nếu nói về thời trang, mình chỉ biết đúng một khái niệm là “nhà thiết kế thời trang” và khi chỉ biết đến như thế, mình cũng cố gắng trở thành một người như vậy. Sau đó, mình bắt đầu đi học vẽ, tham gia các cuộc thi nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Mình chỉ đơn giản vẽ theo quán tính và chừng đó không thể nào đủ để giúp mình có thể cạnh tranh cùng những bạn có năng khiếu. Nhưng bây giờ khi nghĩ lại, mình phải công nhận là mình thật sự không có khiếu để trở thành một nhà thiết kế, mình chỉ tự tin với đam mê được làm việc trong lĩnh vực này. Khác với stylist – những người lựa chọn và làm sao để trang phục phù hợp với hoàn cảnh, nhà thiết kế thời trang có một chỗ đứng cao hơn, bởi vì họ không chỉ có mỗi đam mê, họ cũng cần cả hoa tay, kỹ năng và những kiến thức sâu rộng hơn mà một stylist có thể biết đến để có thể sáng tạo ra những tác phẩm biết đi trên sàn catwalk. 

Có bao nhiêu người đang làm cùng nghề với Đạt?

So với 10, 15 năm trước đây, stylist hiện tại là một ngành nghề được nhìn nhận tại Việt Nam, và lại càng có chỗ đứng nhất định trong ngành giải trí. Chúng ta chưa có một định nghĩa nào chính xác cho từ “stylist” nhưng mọi người thường gọi stylist là những người định hình phong cách. Tại Việt Nam, công việc của một stylist không chỉ đơn giản là chỉ định hình, họ còn phải có kiến thức về vải vóc, chất liệu và chuẩn bị tất cả những thứ liên quan đến trang phục. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án vẫn cần một người am hiểu về thiết kế thời trang để đảm nhiệm những công việc liên quan, vì thế số lượng stylist dù chính thức hay không không thể kiếm đếm một cách chính xác. 

Ngành của mình 10 năm trước chỉ có lác đác vài người, mọi người đều biết nhau và có chung niềm đam mê từ những trang báo. Thời đó thì làm gì có nơi nào đào tạo về ngành này, tụi mình học từ tạp chí, học từ kinh nghiệm, học ở lẫn nhau, chỉ có may mắn được trời phú cho gu thẩm mỹ và khả năng nhìn nhận về thời trang thì từ đó mà cứ thế tự mình phát triển.

Con đường và cơ hội phát triển của nghề stylist?

Những năm thập niên 60, 70 tại các nước phương Tây vốn phát triển rất mạnh về thời trang, nghề stylist đã tồn tại. Đó là những biên tập viên cho các tạp chí danh tiếng, họ là những người đặt nền móng cho nghề stylist hiện nay. Từ việc sắp xếp, chọn quần áo cho các người mẫu để phục vụ cho tạp chí, nhu cầu định hình phong cách thời trang giờ đây đã vượt ra khỏi những trang báo giấy, nó trở thành nhu cầu thiết yếu của những người có tầm ảnh hưởng, thường xuyên xuất hiện trước công chúng hay cũng có thể đơn giản là một người biết chăm lo cho ngoại hình của mình. 

Cũng giống như nhu cầu của con người, ngày xưa người ta chỉ lo ăn no mặc ấm thì ngày nay họ quan tâm đến chuyện ăn ngon mặc đẹp. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, mỗi người sẽ ngày càng quan tâm đến ngoại hình của mình nhiều hơn, đặc biệt là ở những sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc đời mình. Khi đó, các stylist trở thành người tư vấn và giúp họ lựa chọn trang phục để những khoảnh khắc quan trọng trở nên trọn vẹn về mọi mặt. 

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nghề stylist cũng là công cụ thúc đẩy bán hàng của các thương hiệu lớn. Khác với ngày xưa khi quan niệm quần áo trên báo chỉ dành cho các cô người mẫu; bây giờ, khi cái đẹp trở nên đại trà và dễ được đón nhận hơn, nếu thích một bộ trang phục nào đó tình cờ thấy trên tạp chí, bạn có thể ra ngay cửa hàng và mua chúng. Cách thức Marketing này không chỉ giúp các nhãn hàng tăng doanh số nhanh chóng mà còn giúp nghề stylist ngày càng có chỗ đứng hơn. 

Càng về sau, nghề của mình không chỉ còn gói gọn trong mảng thời trang hay chỉ làm việc với tạp chí nữa, mà mở rộng sang các lĩnh vực khác như điện ảnh, MV hay bất kỳ dự án nào cần đến một người để định hình phong cách, có hiểu biết về thời trang cũng như khả năng điều phối và làm việc một cách tốt nhất cùng các bộ phận khác. Ví dụ như với một dự án TVC ngắn, đạo diễn sẽ biết phải làm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng họ sẽ không hiểu rõ chất liệu, trang phục hay màu sắc ra sao để phù hợp với cảnh quay, vải như thế nào thì mới đáp ứng được ánh sáng, v.v… Khi đó, đạo diễn sẽ làm việc với Art Director và Art Director sẽ là người truyền đạt lại cho stylist để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cảnh quay. Đây chỉ là một trong số ít những điều giúp cho nghề stylist ngày càng trở nên quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực.

“Đạo nhái” có phải là phạm trù thuộc về đạo đức nghề nghiệp?

Việt Nam mình hay gọi là “copy” nhưng thế giới họ lại gọi đó là “lấy cảm hứng”. Người ta hay nói đến cụm từ “vòng tròn 10 năm” và thời trang cũng vậy, đó là sự lặp lại có chu kỳ. Có những trend trong năm nay đang quay lại thập niên 60. Từ kiểu dáng đến màu sắc xu hướng của cách đây vài chục năm, họ đem nó đến thời hiện đại và “xào nấu” thành những xu hướng mang hơi hướm cổ điển nhưng không kém phần hiện đại. Giống thì giống đó nhưng khác thì cũng rất nhiều. Chúng ta không thể đánh đồng việc lấy cảm hứng đồng nghĩa với từ “copy” như vậy nếu như không hiểu rõ về ngành.

Còn về đạo đức nghề nghiệp, nó lại là vấn đề hoàn toàn khác biệt. Với tính chất làm việc cùng những người có tầm ảnh hưởng, mình phải hiểu rằng mình đang làm với ai. Khác với những ngành nghề khác luôn có hợp đồng cùng những điều khoản bắt buộc về việc bảo mật, nghề của mình không có văn bản nào ràng buộc giữa người làm stylist và khách hàng, nhưng mình vẫn phải giữ bí mật tất cả những chuyện của khách hàng mà mình biết trong quá trình tiếp xúc gần, dù cho đó có là chuyện nhỏ nhất đi chăng nữa. Đó là đạo đức nghề nghiệp của một stylist.

Đạt có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ đang định hướng theo nghề stylist?

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, ngành của mình bây giờ đã có sự phổ biến nhất định đối với những bạn trẻ sớm có niềm yêu thích với thời trang. Với sự cởi mở và phóng khoáng của nghề nên ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với nghề stylist. Vì stylist là nghề không có nơi nào đào tạo chính quy nên phần lớn các bạn vẫn phải tự học là chính, hoặc may mắn hơn thì có thể xin đi làm trợ lý cho các stylist chuyên nghiệp để có cơ hội được trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể theo học các ngành về thời trang ở một số trường để trang bị cho mình kiến thức nền rồi tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân theo định hướng stylist.

Mình không có lời khuyên nào cụ thể dành cho các bạn cả. Ngày xưa ở thời của mình, việc tiếp cận với nghề vốn dĩ chẳng hề dễ dàng, còn bây giờ thì mọi thứ không còn quá khó khăn nữa. Chỉ cần các bạn thật sự đam mê, tìm hiểu tất tần tật mọi thứ thật kỹ càng và bắt đầu ngay khi mình muốn, hãy biến những suy nghĩ thành hành động chứ đừng nghĩ nó khó rồi lại “cất xó” đam mê. Ngoài ra, trong quá trình làm nghề, các bạn cũng sẽ được học về những chuẩn mực đạo đức, qua lời chỉ dạy của những anh chị làm lâu năm hoặc qua những dự án mà có cơ hội được tham gia. Và hãy nhớ rằng, hãy luôn đảm bảo sự chất lượng trong công việc và luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp khi làm nghề, đó là điều kiện để bạn có thể sống lâu và sống tốt với nghề mà không bị đào thải.

Đạt hãy kể về công ty của mình?

D2 Styling được bắt đầu từ mình – Trần Thành Đạt và anh Trần Tiến Đạt. Tên của công ty – D2 cũng xuất phát từ việc trùng tên của cả hai. Trước khi chính thức thành lập công ty, hai anh em đều là freelancer làm nghề nhiều năm. Sau đó, tụi mình mới nghĩ là “À tại sao mình lại không tự xây dựng một nền tảng để từ đó có thể mở rộng và phát triển ở nhiều mảng hơn?”. Tại những nước phát triển mạnh về thời trang, đã có rất nhiều agency với người sở hữu chính là những stylist nổi tiếng, họ tự làm, tự xây dựng một đế chế với các talent của riêng công ty. Còn tại Việt Nam, hình thức này lại chưa được phổ biến và đó cũng là lý do mà hai anh em thành lập D2 Styling. 

Mình mong muốn phát triển D2 Styling theo con đường agency để cung cấp các dịch vụ liên quan tới thời trang hay bất kì một dự án nào đó cần đến một stylist.  Như mình đã chia sẻ ở trên, công việc của stylist được trải dài ở đa dạng các lĩnh vực và ngành nghề và đặc biệt có sự  liên quan mật thiết đến khâu sản xuất hình ảnh. Hiện tại, D2 Styling đảm nhiệm rất nhiều mảng nhưng vẫn dựa trên nền chính là định hình phong cách. 

Đạt tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho công ty như thế nào?

Thời trang là một lĩnh vực rất đặc biệt mà ở đó chỉ có những người thật sự yêu thích mới dám dấn thân, họ sẽ khởi nguồn với thử thách và sự chắc chắn là điều không bao giờ có thể định lượng ở khoảng thời gian đầu gia nhập ngành. Vì tính chất công việc đặc thù nên nguồn nhân lực trong ngành là đa phần là tự cung tự cấp. Đây cũng là điểm yếu vì công ty sẽ không thể mở rộng hết mức khi thiếu nhân sự đáp ứng. Nhân sự trong công ty mình chẳng ai là giống ai cả, họ là tay ngang đến từ những lĩnh vực khác nhau, có sinh viên, kế toán và có cả nhân viên ngân hàng.

Họ hầu như chưa biết gì nhiều về chuyên môn nhưng các bạn đều mang một điểm chung: Đó là niềm đam mê mãnh liệt với thời trang. Đây cũng là tiêu chí số một để mình có thể tuyển dụng những nhân sự phù hợp cho công ty. Không quan trọng xuất phát điểm của bạn là gì, bạn đến từ đâu, chỉ cần bạn một lòng kiên trì dẫu cho khả năng thất bại có thể lên đến 80% và vẫn chấp nhận những rủi ro khi theo đuổi nghề, bạn chính là người mà công ty đang tìm kiếm.

Mục tiêu, tham vọng, mơ ước của Đạt trong 5-10 năm tới là gì?

2021 đánh dấu năm thứ 5 kể từ ngày D2 Styling được thành lập. Khoảng thời gian lăn lộn với nghề với những bài học đáng nhớ đã giúp mình hiểu về nghề, thị trường và những khó khăn, thách thức đang đợi trên con đường xây dựng một agency chuyên nghiệp về nghề stylist. Hồi xưa cứ nói thành lập công ty thì mình cũng đã bị nói là viển vông rồi, mấy anh chị chung ngành khi đó cũng chẳng rõ công ty của mình như thế nào, mô hình hoạt động ra sao, lấy doanh thu từ đâu để phát triển. Thật ra, họ mơ hồ cũng là điều dễ hiểu, vì trước giờ Việt Nam mình đâu có công ty nào hoạt động giống của mình đâu hay thậm chí là ở thời điểm hiện tại cũng chưa có trừ D2 Styling. Nên mình có thể tự hào mà nói rằng: D2 Styling là đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam hiện nay cung cấp các gói dịch vụ định hình phong cách chuyên nghiệp cho tất cả ngành nghề, dự án lớn nhỏ từ A đến Z. 

D2 Styling hiện tại có rất nhiều stylist khác nhau chứ không chỉ có mỗi Trần Đạt. Khi có khách hàng liên hệ, mình sẽ giới thiệu những nhân sự khác của công ty có trình độ chuyên môn và gu thẩm mỹ phù hợp với dự án đó. Đây là điều mà bản thân mình mong muốn hướng đến trong tương lai, biến D2 Styling trở thành nơi hội tụ của những người làm nghề chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đưa D2 Styling thành một agency hàng đầu cung cấp các dịch vụ về sản xuất, định hướng hình ảnh và thời trang.

Những kỹ năng về Mỹ thuật Đa phương tiện đã giúp Đạt phát triển công việc như thế nào?

Arena là một trong những cơ duyên của mình. Thời đó khi ngành học Multimedia được du nhập về Việt Nam, chẳng ai biết nó là gì vì quá lạ lùng và mới mẻ. Khi vô tình nhìn thấy tờ rơi của Arena Multimedia lần đầu, mình cảm thấy vô cùng đặc biệt vì nó chạm đến những điều mình luôn quan tâm bấy lâu nay, từ thời trang cho đến vẽ vời, internet, công nghệ, photoshop chỉnh sửa hình ảnh hay làm video.

Mình chưa bao giờ hối hận về quyết định theo học tại Arena và sự lựa chọn thời đó là quyết định sáng suốt dù ở khoảng thời gian đó, mình gặp không ít khó khăn về tài chính khi học song song ở hai trường. Nhưng với môi trường hiện đại, năng động, được học cùng những người bạn chung niềm đam mê, mình đã thành công trong việc thuyết phục phụ huynh để được theo học tại Arena Multimedia. Đây cũng là sự khác biệt rõ ràng nhất mà mình cảm nhận được khi học hai trường, mình được học đúng trọng tâm ngay ở năm đầu tiên, khác với những trường Đại học khác chỉ tập trung vào học những môn đại cương không liên quan trong thời gian đầu vừa mới nhập học. 

Tại Arena, mỗi người có một tư duy sáng tạo và cá tính riêng. Khi được tiếp xúc với những người bạn như thế, mình đã biết được thêm rất nhiều người hay ho đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, cũng như học hỏi được rất nhiều điều khác bên ngoài kiến thức. Trong khoảng thời gian tại Arena, mình cảm nhận được rằng chương trình học của trường khá nhanh, nhưng điều đó cũng là lợi thế vì bắt buộc học viên phải tập trung và rèn luyện kỹ năng nhiều hơn. Thật sự cho đến bây giờ, những gì học được tại Arena vẫn giúp mình rất nhiều trong công việc hiện tại. Khi chuẩn bị thiết kế hoặc phác thảo cái gì đó, photoshop hỗ trợ tốt hơn trong việc thể hiện hình ảnh, truyền tải tốt hơn những gì mình muốn làm. Khi khách hàng đưa cho mình một video tham khảo, mình cũng có những hiểu biết nhất định về góc máy, màu sắc. Trong một cuộc họp với nhiều người đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành Giải trí, mình không có cảm giác lạc lõng trong những câu chuyện về chuyên môn của họ. Đó là nhờ những kỹ năng được trang bị từ hồi còn học Arena Multimedia.

Đạt có lời nào muốn nói đến thế hệ học viên Arena Multimedia mới? 

Bản thân mình rất tự hào khi từng là học viên của Arena Multimedia. Trong suốt quá trình làm nghề, mình cũng đã tiếp xúc rất nhiều anh chị cũng là cựu học viên của trường. Tụi mình gặp nhau, nói về sự nghiệp và luôn nhớ đến những nền tảng cơ bản được học tại Arena. Thật vui là mỗi người đều đạt được những thành tựu nhất định ở các lĩnh vực khác nhau. 

Mình cũng từng như các bạn học viên Arena Multimedia hiện giờ, từng mơ ước về một công việc và cuộc sống cao sang, luôn mơ mộng đến ngày mình nắm trong tay điều gì đó thật lớn. Những ngày sau khi tốt nghiệp, mình từng làm Graphic Designer ở một số doanh nghiệp. Mình tận dụng cơ hội để được tiếp xúc với ngành và những khách hàng thực tế. Một khi đã bước chân ra ngoài cuộc sống, bạn càng phải học hỏi nhiều hơn vì khi đó, chẳng còn thầy cô nào chấm bài cho những sản phẩm của bạn nữa. Những gì bạn làm ra giờ đây đều được trả tiền và bạn buộc phải trau dồi hằng ngày để có thể đem đến một sản phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình. Hãy nhớ rằng thành công đến từ kiến thức, kinh nghiệm và sự trau dồi bản thân sau những lần vấp ngã. 

Chia sẻ của Đạt đến với những tân khoa niên sắp tốt nghiệp?

Hầu như các bạn tốt nghiệp niên khóa 2019 – 2021 thuộc thế hệ Gen Z. Đây là thế hệ biết mình là ai, biết mình muốn gì và một khi đã muốn thì phải làm cho bằng được. Đó cũng là nét đặc trưng rất “Gen Z” mà mình rất yêu thích ở thế hệ trẻ hiện nay. Mình cũng mong rằng trong tương lai, các bạn sẽ tận dụng lợi thế của mình mà “bung xõa” hơn nữa, dám làm mọi thứ bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Để từ đó cùng với kiến thức và hành trang kỹ năng từ Arena Multimedia, các bạn sẽ có một sự nghiệp thật thành công và rực rỡ. 

Lời cuối cùng, mình xin chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, cũng như giữ cho mình một tinh thần thật sảng khoái để bắt đầu xây dựng lâu đài sự nghiệp của riêng mình. Chúc các bạn thành công và hẹn gặp các bạn đâu đó trong tương lai. 

Với những người làm nghệ thuật, niềm đam mê của họ được thể hiện rõ ràng từ những ngày tấm bé. Với Trần Đạt, đó là những trang báo dù cũ nhưng chứa đầy những khát khao được anh nâng niu hết mực. Và dù Trần Đạt chưa bao giờ nói những điều lớn lao, nhưng chúng ta đều thấy ở anh một trái tim dũng cảm. Chấp nhận thử thách đến với mình, kiên trì theo đuổi giấc mơ, im lặng làm việc để khẳng định. Phải chăng đó cũng là điều làm nên sự đặc biệt của chàng stylist này, rằng anh không bao giờ cảm thấy đủ với những thứ mình làm được, luôn ôm một giấc mơ xa hơn những gì mình đang có. 

Arena Multimedia nhận ra, có một điểm chung ở những cái tên từng gắn bó với cộng đồng này, rằng đằng sau những thành công như hiện tại, họ cũng từng trăn trở và vất vả giống như bao người trẻ khác. Là stylist Trần Đạt, là đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, Đạo diễn Trần Đức Viễn, Content Creator Nguyễn Sơn Tùng, Art Director Nguyễn Minh Nhật, Biên kịch Minh Châu, Creative Director Võ Hoàng Hiếu, Film Editor Duy Joseph,… họ không chạm tay đến hào quang bằng sự đầy đủ về vật chất mà đổ đầy mồ hôi nước mắt trên con đường theo đuổi ước mơ. Ở thế hệ Arenaites ấy, có những trăn trở rất riêng để cống hiến cho nghệ thuật như chính lẽ sống của mình.