Cùng tìm hiểu hành trình các bạn trẻ làm nên những thước phim tài liệu chân thật và đầy cảm xúc về một con người vẫn ngày ngày thầm lặng cống hiến cho đời. 

Trên hành trình chinh phục các học phần ở Arena Multimedia, thư viện đồ án cuối kỳ 3 – Digital Filmmaking giống như nơi phản chiếu cái nhìn đa chiều độc đáo của thế hệ người làm sáng tạo trẻ đối với thế giới hiện đại thông qua các thước phim ngắn. Cũng từ học kỳ làm phim này đã khai sinh ra những sản phẩm “để đời” ý nghĩa. Trong đó, “Nghề vớt xác?” – Phim tài liệu phóng sự được các bạn trẻ Ái Nhi, Thanh Mai, Hồng Thơ, Công Danh kỳ công thực hiện chính là một bản hùng ca về tính nhân văn và là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần gan dạ, bứt phá mọi giới hạn trong sáng tạo.

Đằng sau 18 phút phim là bao nhiêu trăn trở, suy tư của cả người làm phim lẫn nhân vật, là những trục trặc bất ngờ, là những mâu thuẫn tưởng như đã chẳng thể giải quyết. Động lực nào thôi thúc các bạn trẻ ấy tìm hiểu về “nghề” ít ai dám nghĩ đến này? Các bạn đã vượt qua những trở ngại nào để có được một thành phẩm được toàn thể hội đồng chuyên môn đánh giá cao, đạt 88 điểm? Và quan trọng nhất, thông điệp gửi gắm trong những thước phim tài liệu ấy là gì? Hãy cùng chậm rãi tìm câu trả lời trong cuộc trò chuyện với 4 bạn trẻ Ái Nhi, Thanh Mai, Hồng Thơ, Công Danh – những nhà sáng tạo trẻ thực hiện bộ phim tài liệu “Nghề vớt xác?”.

Đầu tiên, chúc mừng các bạn đã hoàn thành một đồ án xuất sắc, một đồ án mang đến thật nhiều cảm xúc cho khán giả. Với học kỳ làm phim này, các học viên chọn rất nhiều chủ đề khác nhau, nhưng rất ít nhóm chọn làm phim tài liệu. Vậy vì sao các bạn lại lựa chọn thể loại phim này?

Ái Nhi: Thật ra lý do bọn em chọn làm phim tài liệu cũng xuất phát từ sở thích cá nhân. Em rất thích phim tài liệu, và muốn một tác phẩm không phải dàn dựng sẵn, có kịch bản sẵn, mà phải đi tìm tòi để thực hiện nó. Lúc đầu các bạn trong nhóm cũng sợ đây là một hướng đi khó, bèn khuyên nên chọn làm gì đó thuận lợi một chút. Nhưng một phần là do em quá “cố chấp” nên cuối cùng các bạn cũng đồng ý cùng thực hiện phim tài liệu cho đồ án lần này. 

Có bạn nào ban đầu không muốn làm phim tài liệu không? Và vì sao bạn lại thay đổi quyết định?

Thanh Mai: Dạ là em. Lúc đầu cũng lo lắng lắm vì em không biết làm phim tài liệu, cũng không biết sẽ như thế nào nữa, nên sợ vì không nắm rõ thì sẽ làm không tốt. Em cũng đề xuất làm TVC hoặc phim ngắn sẽ thuận lợi hơn, nhưng rồi dần cũng cảm thấy hợp lý, đề tài cũng cuốn hút, và thế là đồng ý làm dự án này.

Đề tài của các bạn là “Nghề vớt xác?”, thật ra nghe hơi có màu sắc tâm linh một chút. Nhóm có thể chia sẻ lý do chọn chủ đề có phần nhạy cảm và ít người nghĩ đến như thế này không?

Ái Nhi: Đối với những khán giả thích phim hành động chẳng hạn, thì thú thật phim tài liệu sẽ khá nhàm chán. Việc phim tài liệu có thể giữ người xem tiếp tục với bộ phim hay không phụ thuộc nhiều vào chủ đề có độc đáo và mới lạ hay không. Cho nên đối với phim tài liệu, phần đầu tư nhất là bọn em phải tìm sao cho ra một chủ đề thu hút người xem trước cả khi họ xem phim, sao cho nghe tên đã muốn xem và đủ để giữ họ đến cuối. Vì thế theo em chủ đề là điều rất quan trọng với một phim tài liệu.

Khi bắt đầu thực hiện chủ đề “Nghề vớt xác?” thì các bạn đã gặp phải khó khăn gì? 

Hồng Thơ: Thật ra bọn em cũng đã trải qua rất nhiều chuyện để đến được đề tài này. Thể loại tài liệu phóng sự, muốn xin được người hỗ trợ phỏng vấn thực sự rất khó khăn. Cũng may mắn là bọn em đã gặp được chú Ba Chúc, và chú cũng đồng ý hợp tác với nhóm. 

Trước khi thực hiện đồ án này, các bạn nghĩ gì về nghề vớt xác? 

Thanh Mai: Lúc đầu em cho rằng đây là một công việc nghe rất đáng sợ, cũng rất tâm linh, mà em thì lại sợ ma nữa. Nhưng khi chú làm việc với xác chết thì chú không hề sợ, chú coi họ là người sống để mà mang họ về với gia đình. Lúc phỏng vấn chú thì chú có nói là khi vớt xác chú có thể bảo “thôi cô bớt mùi đi để tôi mang cô về với gia đình” chẳng hạn. Chú không sợ hay dị nghị họ mà dành cả lương tâm của mình để cứu họ lên.

Một điểm rất ấn tượng trong tác phẩm này là các bạn quay được cảnh chú đang trực tiếp làm việc. Với góc độ cá nhân, cảm xúc của các bạn thế nào khi chứng kiến trực tiếp? Có giống với hình dung trước khi quay không?

Ái Nhi: Hôm đi quay, tụi em không nghĩ là sẽ gặp “cảnh đó”. Đó chỉ là một sự trùng hợp. Trước khi nhóm đến thì chú vẫn đang hoạt động bình thường. Tụi em cúng xong rồi bắt đầu quay phỏng vấn chú, mọi chuyện vẫn bình thường thì đột nhiên có công an gọi điện đến báo chú là: “Chú Ba ơi, ở dưới Thanh Đa có cái xác, chú xuống vớt giùm tụi con. Người ta nặng quá tụi con vớt lên không nổi.”

Vậy là cô hướng dẫn nhóm em và một bạn quay phim lập tức mang máy quay theo xuống thuyền. Lúc đầu em cũng định đi cùng nhưng chú không cho các bạn nữ theo. Cơ mà cô cứ như một vị anh hùng vậy, cứ nhất quyết “không sao con đi được”. Thường thì chú sẽ đi mất 1 ngày, nhưng do hôm đó công an phát hiện được xác nên chú không phải làm việc với công an nên có thể về sớm. 

Còn về việc vớt xác, lúc đầu em nghĩ đó phải là một điều gì ghê gớm lắm. Nhưng sau khi xong việc chú đi về, chú vẫn sinh hoạt bình thường, rửa tay, thay đồ, làm đúng những thủ tục để không ảnh hưởng sức khoẻ. Nhưng bạn quay phim đi chung với cô thì về bị… ám ảnh. Cứ nhìn thấy cảnh xác là bạn sẽ nhớ đến cảnh xác nổi lềnh bềnh lúc ấy và không ngủ được phải cả tuần. Nên em càng nghĩ với bọn em thì đáng sợ như vậy mà chú hầu như ngày nào cũng thấy, thật sự rất khâm phục chú!

Như vậy quá trình từ quyết định đề tài đến tìm được nhân vật để quay rồi thực hiện phim cũng rất gian nan nhỉ? Trong quá trình thực hiện phim có kỷ niệm nào đáng nhớ không?

Hồng Thơ: Thật ra thì nhiều kỉ niệm lắm ạ, nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất thì chắc là “lục đục nội bộ” ạ. Đã làm teamwork thì em nghĩ nhóm nào cũng sẽ gặp tình trạng này thôi, nhưng nhóm em đã hợp tác làm đồ án với nhau đến nay là kỳ thứ 3 rồi mới xảy ra chuyện này. Đây cũng là cơ hội để mọi người hiểu nhau hơn, và cũng may mắn là vấn đề đã được bọn em giải quyết với nhau. Về điều này em phải gửi lời cảm ơn đến cô, tất cả là nhờ cô đã khuyên giải bọn em ngồi xuống trao đổi mới có thể giải quyết vấn đề.

Ngoài sự giúp đỡ của cô, không biết các bạn đã tự trao đổi với nhau thế nào để giải quyết khúc mắc?

Ái Nhi: Thật ra mâu thuẫn lục đục nội bộ cũng xuất phát từ bạn đạo diễn, chính là em. Bọn em làm việc với nhau được 3 kỳ, và có một lời cô nói em không quên được là: “Các em làm đồ án với nhau thành công suôn sẻ quá rồi nên bây giờ phải gặp khó khăn mới biết được mình có nên tiếp tục đi cùng với nhóm này nữa hay không.” Lúc đó đạo diễn, cũng là em, đã rất muốn bỏ cuộc rồi, không muốn làm nữa, nhưng khi nghe cô nói như vậy, em tự hỏi bản thân và hiểu rằng mình vẫn muốn tiếp tục chơi và làm việc cùng các bạn.

Lúc tụi em ngồi xuống nói chuyện cũng căng thẳng lắm. Nào là “mày phải nghe tao” rồi “sao mày cảm thấy vậy mà không nói?”, “tao nói mà mày có nghe đâu”. Lúc ấy tụi em cũng họp trong phòng kính thế này, cãi qua cãi lại một lúc, tất cả mọi người bên ngoài nhìn vào, giờ trích lại camera chắc vẫn còn thấy cảnh tụi em tranh luận to tiếng với nhau. Ai cũng có cái tôi quá lớn, nhưng sau khi nghe được câu chuyện từ phía bạn thì tự dưng em nhận ra cũng có lỗi của mình mới khiến các bạn như vậy, và đặt cái tôi của mình xuống để xin lỗi nhau. Đến cuối hai bọn em ôm nhau khóc và bảo nhau tiếp tục đồ án vì đây là một đồ án quá hay, là tổng hòa bao nhiêu công sức của bọn em.

Nên bọn em đã ngồi xuống cố giải quyết vấn đề và sau khi cãi nhau xong thì làm việc năng suất hơn, bắt đầu tìm cách bổ sung những phần thiếu trong lúc đi quay. Từ lúc đó bọn em mới gọi là thật sự làm việc cùng nhau.

Công cuộc làm phim thật sự nhiều bước và vất vả. Vậy còn phần hậu kỳ thì sao? Các bạn có gặp khó khăn gì trong phần này không và mất bao nhiêu thời gian để edit xong thành phẩm?

Công Danh: Về giai đoạn hậu kỳ thì cái khó của bọn em là phần source rất nhiều, tận hơn 200 GB. Bọn em phải lọc rồi chia theo từng source rồi thu giọng riêng và ghép giọng sao cho không lệch. Với cả em và bạn DOP cũng có lúc không hợp ý nhau nên dẫn đến tranh cãi trong lúc dựng phim. Có một lần tranh cãi đáng nhớ nhất là do bọn em mỗi người dùng một phiên bản phần mềm nên em mở file không được. Tính em thì khi giận sẽ im lặng mà tự tìm cách giải quyết nên các bạn cũng không hiểu được ý em, thế là thành cãi nhau.  

Khi xem lại bộ phim do chính nhóm mình thực hiện, đâu là phân cảnh giàu cảm xúc nhất?

Ái Nhi: Phân cảnh em tâm đắc nhất có lẽ là cảnh after credit. Lúc nào after credit cũng là cảnh khiến người ta lưu luyến. Bọn em kết phim bằng một cảnh rất buồn là hai cô chú cứ liu hiu ở lại căn chòi ấy, không dọn đi, chỉ hai vợ chồng với nhau thôi. Nhưng rồi bọn em muốn gửi đến một niềm hy vọng bằng cảnh ngày mới lên và chú chạy thuyền ra, chú nói rằng: “Đây không phải nghề, cũng không phải nghiệp, mà là cái duyên đến với chú. Mình cứ làm đúng với lương tâm và giúp họ lên bờ.” Câu hỏi của bọn em đặt ra về nghề vớt xác thì đây chính là câu trả lời cho cả bộ phim.

Vậy cảm xúc của các bạn thế nào khi đứa con tinh thần ra đời sau bao nhiêu khó khăn của mình được các thầy cô đánh giá rất cao?

Thanh Mai: Dạ rất vui ạ. Lúc chiếu phim, chú có đến để xem bộ phim của tụi em. Và chú đã khóc. Khoảnh khắc ấy em biết rằng nhóm mình đã thành công rồi. 

Hồng Thơ: Hôm đó bọn em mời được chú lên cũng may mắn, vì chú phải sắp xếp thời gian để lên với bọn em mà. Rồi có kết quả trong buổi chiều ấy luôn thì bọn em đột nhiên vỡ òa ôm nhau vì xúc động. 

Đâu là điều các bạn tâm đắc nhất về bộ phim này? 

Ái Nhi: Điều tâm đắc nhất có lẽ là tụi em là những người đầu tiên làm một bộ phim như vậy về chú. Chú Ba Chúc là một nhân vật được rất nhiều người biết đến. Chú từng lên báo, lên tin tức thời sự nhưng mà khi nói về cuộc đời chú Ba Chúc, người ta chẳng biết chú sống thế nào cả, chỉ biết chú vớt xác trên sông Sài Gòn thôi. Cuộc đời chú lẻ loi, cô quạnh, tiếp xúc nhiều với xác như thế nào thì không ai biết, thế nên điều bọn em muốn cho mọi người thấy là cuộc đời của một người vớt xác vì lương tâm chứ chẳng vì vật chất. Lúc xem đồ án, chú khóc, và bọn em biết rằng mình đã thành công. So với điểm số thì em cảm thấy điều này quý hơn rất nhiều.

Thông điệp các bạn muốn gửi gắm qua tác phẩm này là gì?

Ái Nhi: Bọn em muốn cho mọi người thấy hình ảnh của những con người hoạt động công tác xã hội một cách tự nguyện, thầm lặng và họ vẫn vui, vẫn hài lòng với cuộc sống. Em nghĩ rằng chú không khác mấy những nhân vật chính trong phim ảnh. Chú tìm được mục đích sống của mình, chú làm nó và chú hài lòng với những điều mình làm, còn tiền bạc sao cũng được. Khi nói đến những người có cuộc sống khó khăn ở bên ngoài, khi nhìn họ, em sẽ cảm thấy họ rất đáng thương, nhưng còn chú Ba Chúc, chú cũng khổ, khổ lắm. Thế mà em không thấy sự đáng thương ở chú. Chú vô tư, hào phóng, sống một cuộc đời vô tư vô nghĩ và cứ làm việc vớt xác như vậy thôi. Dù là đời thực hay theo góc nhìn điện ảnh, thì theo tiêu chuẩn của em, chú chính là một nhân vật thật hoàn thiện. 

Nhìn lại quá trình thực hiện đồ án lần này, nhóm có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các bạn, các em để hoàn thành đồ án phim suôn sẻ hơn không?

Ái Nhi: Điều đầu tiên em muốn nói với các bạn hẳn là: đừng đặt tên file có “final” (cười). Trước khi dựng hãy kiểm tra phần mềm xem đó là phiên bản năm nào. Nhóm em lục đục, tranh cãi vì không nói chuyện với nhau về những khó khăn mà cứ im lặng tự giải quyết. Thật sự im lặng không phải là cách giải quyết tốt trong teamwork. Mình cần phải chia sẻ vấn đề với mọi người để cả team cùng giải quyết. Phải sau khi nói chuyện thì nhóm mới phát hiện phiên bản phần mềm sử dụng không đồng đều với nhau. Trong quá trình làm việc, hãy bỏ cái tôi của mình xuống, lắng nghe các thành viên trong nhóm. Đặc biệt ở vai trò leader, càng cần phải lắng nghe và làm việc cùng các thành viên như một người đồng hành chứ không phải chỉ đạo, cần tôn trọng ý kiến của họ. 

Thực tế, khi làm phim, tụi em thật sự không nghĩ đến điểm cao hay thấp, đến khi chiếu phim thấy chú khóc như vậy đã là thành công của tụi em rồi. Khi ấy bọn em mới càng thấm lời cô nói là điểm không quan trọng, quan trọng là sau quá trình thực hiện mình học được điều gì. Riêng em cảm thấy sau kỳ này mình học được rất nhiều từ cách làm việc nhóm, lắng nghe thành viên, hợp tác với mọi người. 

Theo các bạn kể thì cô Molly Phương Nguyễn – giảng viên hướng dẫn là động lực quan trọng giúp nhóm hoàn thành đồ án này. Nhân đây nhóm có lời nào muốn gửi đến cô không?

Ái Nhi: Cô như một người bảo hộ của bọn em vậy. Mỗi lần em có làm gì sai cô đều đứng ra giúp giải quyết, có những khó khăn mà nếu không có cô em nghĩ mình đã bỏ luôn đồ án này rồi. Chẳng hạn như lần tụi em bị mất file màu và cô vẫn gắng ngồi lại với em, chỉ vỗ lưng em một cái mà khuyên đừng bỏ cuộc. Em thấy đúng là cô mà chỉ cần bước đi xa em là em sẽ gục ngay. Rồi có những khúc mắc trong nhóm, cô chỉ im lặng quan sát rồi đưa ra phương hướng để em giải quyết với các bạn. Nếu không có cô hẳn em ngã từ lâu rồi, sẽ chẳng có đồ án để mà bảo vệ nữa. 

Thanh Mai: Em chỉ muốn nói là cảm ơn cô rất nhiều, vì nếu không có cô sẽ không thể có đồ án này. 

Hồng Thơ: Em muốn gửi lời cảm ơn đến cô vì cô đã thấu hiểu bọn em, dành rất nhiều lời khuyên, đồng hành xuyên suốt đồ án đến tận lúc phỏng vấn. 

Công Danh: Những điều muốn nói thì các bạn đã nói rồi. Em muốn cảm ơn cô rất nhiều vì luôn hỗ trợ bọn em mọi lúc, thậm chí thức cùng bọn em đến sáng. Em cảm ơn cô.

Cảm ơn những chia sẻ của các bạn. Một lần nữa chúc mừng và cảm ơn các bạn đã mang đến kỳ bảo vệ này một tác phẩm thật sự ấn tượng và nhân văn.

Phỏng vấn: Cảnh An
Bài viết: Thủy Lê – Lưu Ly
Thiết kế: Olianji
Hình ảnh: TMT