Bấm máy liên lạc với các giảng viên Arena Multimedia trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, chúng tôi ngỏ ý muốn lắng nghe cảm nhận của họ suốt khoảng thời gian gắn bó với ngôi trường này. Trong vô số kỷ niệm được chia sẻ, dấu ấn về một năm học online dường như là điều khiến thầy cô nhắc nhớ nhiều nhất: Từ những câu chuyện dở khóc dở cười, đến những áp lực khó lòng gọi tên. Giống như học trò, thầy cô cũng phải thích nghi với biến động thời cuộc để trở nên vững vàng hơn. Vì thế, vào ngày 20.11 năm nay, chúng ta lại có dịp nói về hành trình đã qua, hành trình dài hơi mà ở đó, thầy cô sẵn sàng thay đổi và kiên trì đồng hành với các học trò của mình dẫu chỉ là qua màn hình máy tính.
Có những sự cố hy hữu, những tình huống bất ngờ hay được thầy cô và học viên ở Arena gọi vui là “đặc sản” trong các lớp học online, bởi lúc nào nó cũng khiến “khổ chủ” rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.
Nhớ về một buổi dạy đầy trớ trêu, cô Chu Ánh Nguyệt dí dỏm kể lại: “Bận ấy, khi đang giảng bài đam mê, linh tính mách bảo cô hình như có điều gì đó không ổn. Vậy là cô dừng lại và hỏi các bạn liệu đã hiểu bài hay chưa nhưng chẳng nghe ai đáp trả. Cô cứ nghĩ tại mấy đứa ngại không dám nói nên quay về giảng từ đầu, một lúc sau cô vẫn hỏi lại, thì chính xác là tiếng cô vang trong gió, không một ai trả lời. Mất 5 giây đứng hình, cô chợt phát hiện mình đã bị “văng” ra khỏi lớp từ lúc nào chẳng hay biết, làm cả buổi cô cứ ngồi độc thoại trong hoang mang lo lắng.”
Trớ trêu không kém phải nhắc đến thầy Trung Phan, khi lời đồn về những tiếng động lạ thường xuyên xuất hiện trong lớp học của thầy cứ được học trò rỉ tai nhau. Hỏi ra mới biết: “Là hai đứa nhóc nhà thầy đó! Nhiều lúc say sưa giảng bài mà quên đóng cửa thì xác định kiểu gì tụi nhỏ cũng bi bô vọng vào mic khiến cả lớp giật mình. Thời gian đầu, thầy còn loay hoay không biết xử trí ra sao, nhưng bây giờ hai bé đã trở thành khách mời “giải trí” định kỳ trong lớp, chọc cười và giúp các anh chị lớn đỡ buồn ngủ khi học online rồi.”
Nhộn nhịp nhất vẫn là lớp học của cô Cẩm Lynh, với vô số tình huống bất ngờ làm gián đoạn buổi dạy: “Học trò giơ tay, cô tưởng tụi nhỏ phát biểu, đâu ngờ đứa thì xin đi test Covid, đứa thì xin đi chích ngừa, rồi lâu lâu có anh shipper bấm chuông mình cũng phải xin phép học trò cho xuống nhận hàng mấy phút. Nhớ nhất là những đoạn cả lớp đang im phăng phắc vì bị cô hỏi bài thì từ đâu vọng đến tiếng gà kêu, chó sủa khiến tất cả phá lên cười. Kiến thức bài học đã nặng nề, nên cô muốn đem đến cảm giác thoải mái để các trò không thấy chán nản với chuyện học online. Đó là lý do cô luôn tạo không khí cởi mở nhất trong các tiết dạy.”
Đằng đẵng vẫy tay chào nhau qua Internet, có những tập thể lớp còn chưa bao giờ gặp mặt ngoài đời, thế nhưng thầy cô và học trò vẫn làm quen và gắn bó. Điều đó khiến 2021 trở thành một năm học đặc biệt, năm học mà chúng ta tìm mọi cách gắn kết bất chấp khó khăn. Những kỷ niệm mới xuất hiện, là bao ngày cùng online học nhóm, là hết giờ mà mọi người vẫn nán lại tâm sự đến đêm muộn. Thầy cô Arena hay nhắc nhở học trò rằng: Có lẽ, sẽ không chỉ năm nay mà còn các năm học sắp tới, chúng ta vẫn phải luôn chuẩn bị tinh thần “đón” đại dịch trở lại với tình thế cấp bách hơn. Nhưng khoảng thời gian học online chắc chắn sẽ là trải nghiệm không thể nào quên, vậy thì tại sao không trân trọng giây phút bên nhau dẫu chỉ là qua chiếc màn hình máy tính các em nhỉ!
Sự phức tạp của đại dịch đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành Giáo dục. Đứng trước tình thế nguy nan, nó hối thúc tất cả cần nhanh chóng thay đổi để thích ứng. Chúng ta thường nói nhiều về những trở ngại mà các em phải đối mặt nhưng chưa từng hiểu hết áp lực thầy cô phải gánh vác.
“Làm sao truyền đạt kiến thức cho học viên tốt nhất? Làm sao để tổ chức ra một lớp học online thật hiệu quả? Hay, bằng cách nào tối ưu được phương pháp giảng dạy?” Những câu hỏi ấy vẫn luôn thường trực bên cạnh các thầy cô của Arena Multimedia suốt hành trình dẫn dắt học viên đi đúng tinh thần Learning Has No Lockdown.
Với cô Đoàn Minh Anh: “2021 thực sự là một năm thử thách với nghề giáo, áp lực của cô không phải ít, nhất là việc làm thế nào truyền đạt kiến thức đến các em hiệu quả, để trong giờ học, để các em không chỉ hiểu bài giảng, mà còn phải tương tác nhiệt tình với cô. Rồi làm thế nào cô kiểm soát được cả lớp, biết bạn nào đang chăm chú, bạn nào mất tập trung còn kịp thời nhắc nhở.”
Về phần mình, thầy Cường Tiến bộc bạch: “Trước lúc đại dịch lây lan, thầy chưa từng nghĩ đến tình huống sẽ phải dạy online trong một thời gian dài như vậy. Thành thật, thầy không gặp quá nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận với phương pháp này, bởi Arena đã chuyển đổi công nghệ và cập nhật giáo án để giảng viên kịp thời ứng phó. Thế nhưng, điều khiến thầy luôn canh cánh đó là số ít học viên khó thích nghi với cách học này. Tư tưởng học online không hiệu quả khiến các bạn ấy giới hạn bản thân. Dần dà, điều đó không chỉ làm giảm chất lượng học tập của cá nhân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tập thể. Thầy chỉ lo không thuyết phục được học trò cởi mở hơn, và cũng lo bản thân không tìm được tiếng nói chung với các bạn.”
Thế nhưng ít ai biết, thầy cô Arena còn có chung một áp lực khác mang tên “sự im lặng trong lớp học”: “Mỗi lần giảng bài, thầy ái ngại nhất lúc học trò lặng thinh, vì có cảm giác mình đang độc thoại giữa chốn đồng không mông quạnh vậy.” – Thầy Đỗ Hiệp hài hước kể về trải nghiệm mà anh sợ nhất khi đứng lớp: “Khó khăn từ những buổi nhận lớp đầu tiên, thầy trò mới gặp nhau còn bỡ ngỡ. Nhiều lúc không bạn nào chịu bật cam, hoặc hỏi một câu thôi mà chẳng ai dám xung phong trả lời, tiếng thầy nói cứ như vang vọng vào cái hang động…”
Những khoảng lặng trong lớp học online luôn là điều khiến giảng viên trăn trở nhất, cô Cẩm Lynh tâm sự: “Các em có thể không trả lời được câu hỏi, nhưng cô rất mong được lắng nghe ý kiến phản hồi. Cô sẵn sàng giảng lại nếu học trò chưa hiểu, điều chỉnh tốc độ bài giảng nếu học trò chưa theo kịp. Bởi, mục đích cuối cùng mà thầy cô luôn muốn đạt được, vẫn là chất lượng giảng dạy sẽ tốt hơn. Không có gì đáng sợ hơn là học trò im lặng, vì thầy cô thực sự chẳng thể biết được đang có vấn đề gì để kịp thời khắc phục.”
Tạm rời xa lớp học thân thuộc, các Arenaites có “dịp” được tiếp cận với một hình thức học tập mới mẻ: Trực tuyến tại gia. Khi mọi hoạt động giờ đây chỉ có thể thực hiện qua màn hình webcam và vài cú click chuột, cũng chính là lúc thầy cô phải làm quen với bài giảng online, tập dùng các ứng dụng hỗ trợ kết nối trực tuyến.
Nhiều phương pháp giảng dạy mới được áp dụng. Đơn cử với kỳ học đặc thù như Filmmaking, cô Minh Anh sẽ tăng cường lồng ghép dẫn chứng, cung cấp tài liệu cùng những phần mềm vẽ storyboard tốt nhất phục vụ cho việc trình bày ý tưởng. Trong khi đó, cô Ánh Nguyệt lại không ngừng khuyến khích khả năng sáng tạo ở mỗi cá nhân: “Các buổi quay phim thực tế chắc chắn là chuyện bất khả thi vào bối cảnh này. Vì vậy, cô gợi ý và cho phép các bạn thoải mái thực hiện sản phẩm theo phong cách cây nhà lá vườn. Có bạn thì nhờ ông bà bố mẹ nhập vai, có bạn lại dùng mô hình đồ chơi làm bối cảnh. Không quan trọng sản phẩm ấy xuất sắc tới đâu, cô ghi nhận mọi nỗ lực từ phía học trò, bởi nó cho thấy những thay đổi về phương pháp giảng dạy thực sự mang tới chuyển biến tích cực.”
Và tất nhiên, trên hành trình thay đổi để đồng hành tốt hơn với học viên, thầy cô cũng “bỏ” lại phía sau nhiều điều: “Thứ lớn nhất mà thầy đã buông bỏ khi dạy online là sự nóng tính” – Thầy Trung Phan nói: “Có lẽ, thầy phải cảm ơn khoảng thời gian này, bởi nó giúp thầy kiên nhẫn hơn khi truyền đạt kiến thức, bình tâm hơn khi sửa bài cho học viên. Những hạn chế về khoảng cách địa lý yêu cầu thầy phải từng bước, từng bước tiếp cận và hướng dẫn các học trò. Đó là thử thách nhưng cũng là cơ hội để thầy điều chỉnh bản thân.”
Thế nhưng, dẫu có cập nhật hay chuyển đổi phương pháp giảng dạy, thì vẫn có những thứ không bao giờ thay đổi trong phong cách đứng lớp của giảng viên Arena, giống như thầy Cường Tiến chia sẻ: “Tôi quan niệm, mọi công việc đều phải xuất phát từ cái tâm, nhất là với nghề giáo. Vậy nên ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù offline hay online, tôi luôn hy vọng có thể truyền năng lượng tích cực cho các học viên của mình.”
Đó chỉ là vài trong số rất nhiều sự thay đổi của thầy cô chúng ta. Có người đã đăng ký hẳn một khóa online để nâng cao khả năng diễn đạt, có người lại dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về cách sử dụng phần mềm trực tuyến. Họ cởi mở hơn trong những tiết học, cố gắng rút ngắn khoảng cách và từng bước trở thành người bạn đồng hành thực thụ với lớp trẻ năng động.
Thầy cô cũng từng đi qua tuổi học trò. Hơn ai hết, họ thấu hiểu và đồng cảm trước những trở ngại mà học viên phải đương đầu ở thời điểm hiện tại. Đối với thầy cô, đại dịch tạo nên biến cố lớn, đồng thời mang đến cơ hội để mỗi người nhìn nhận và phát triển bản thân.
“Thầy đã cùng Arena trải qua rất nhiều giai đoạn phải chuyển dịch từ offline sang online, và minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện học online không ảnh hưởng đến chất lượng đó là các sản phẩm đồ án điểm cao vẫn đều đặn ra đời. Nhìn theo hướng tích cực, online còn giúp chúng ta tận dụng tốt thời gian, linh hoạt bố trí và giải quyết nhiều công việc cùng lúc. Phương án học tập này không còn xa trên thế giới, vậy thì tại sao “Gen Z” phải e ngại trước nó? Bằng cái nhìn cởi mở hơn, thầy hy vọng các bạn vững tâm để vượt qua giai đoạn này thật rực rỡ.” – Thầy Trung Phan nói.
Nhìn thấy khả năng thích ứng tuyệt vời của học viên giữa giai đoạn gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, cô Cẩm Lynh nhắn nhủ: “Dù có bất cứ chuyện xảy ra, cô luôn hy vọng các em không bao giờ để ước mơ của mình ngủ quên. Hãy sáng tạo không ngừng nghỉ dẫu cho đâu đó có gặp chông gai. Đối mặt với những hoang mang, lo lắng, chúng ta sẽ học được cách lớn lên, học được cách tự chuẩn bị cho bản thân mình đủ vững chãi.”
Đối với giáo dục, nhất định phải có lòng yêu nghề, bởi nếu không, sẽ thật khó mà bền bỉ đi trong một năm đầy thử thách. Chúng tôi xin được mượn lời thầy Đỗ Hiệp để khép lại bài viết này: “Điều khiến thầy cô cảm thấy hạnh phúc nhất trên chặng đường vừa qua xuất phát từ chính các tin nhắn, câu hỏi sáng sớm tới đêm muộn mà học viên gửi về. Nó đã tiếp thêm rất nhiều động lực, giúp thầy cô biết rằng, các em vẫn đang cố gắng cùng chúng tôi!”
Được đồng hành cùng thầy cô trên hành trình kiến tạo ra môi trường học tập lý tưởng là điều mà Arena Multimedia vô cùng trân quý. 2021 là một năm học đặc biệt, khi chúng ta buộc phải ứng biến vì những thay đổi của thời cuộc. Thế nhưng, điều đó cũng không thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà đội ngũ giảng viên nhà trường luôn hướng tới.
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO THIẾT KẾ, KỸ XẢO 3D & GAME - ARENA MULTIMEDIA
TP.HCM
HÀ NỘI