Rewind lại khoảng thời gian còn là một chàng sinh viên đại học, Hoàng Đăng đã không ngần ngại bỏ dở để đi theo ước mơ của bản thân. Giờ đây, cậu đã trở thành đạo diễn tài năng, trình làng nhiều “siêu phẩm” đặc trưng với cá tính của cậu như: MV Vụ nổ lớn – Không quan trọng | MCK, MV Pho Real – BBNO$, Low G & Anh Phan, MV Tự Hào Bay Cao | Kỷ niệm 30 năm thành lập VinGroup,… Vậy anh ấy đã học và làm gì tại Arena Multimedia để mang đến những sản phẩm tuyệt vời như vậy?

Hoàng Đăng – Chàng đạo diễn trẻ tuổi với phong cách sáng tạo độc đáo qua từng sản phẩm của mình, “Không ngại thử thách”, “sáng tạo cần phải vui thì mới làm được”,… đều là những “chân lý” của Đăng khi làm trong ngành này. 

Từ một chàng trai chán nản và chai lì cảm xúc khi đi học, vào một ngày nọ, Hoàng Đăng đã tìm thấy Arena Multimedia – “Chiếc phao cứu sinh cảm xúc” cho chặng hành trình của cậu sau này. Đăng đã đem lòng yêu Arena và làm mọi cách để được trở thành một phần của nơi đây.

Thầy Dũng:
Điều gì đã giúp Đăng bén duyên với Arena Multimedia?

Hoàng Đăng:
Em sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh nên việc phổ cập và phát triển về nghệ thuật dường như là không có. Em đã học tại một ngôi trường khác trước khi nhập học Arena. Thật sự để học và làm quen với môi trường đó tận 2 năm trời khiến em cảm thấy ngột ngạt. Thậm chí em đã bị bệnh tiền đình khi học. Em nghĩ rằng em không đủ “yêu” nơi đó này.
Em có một người bạn đã từng học tại Arena Multimedia. Ngày đó hai thằng đi nhảy với nhau và tâm sự về chuyện nghệ thuật. Thi thoảng em có đi qua Arena Trúc Khê chơi và lần đầu tiên em phải thốt lên rằng: “Ôi trường này lạ quá!” Em cũng đã nói chuyện với gia đình và làm tâm lý mất tận nửa năm. em dẫn bố qua Arena để thăm quan và tìm hiểu về môi trường học ở đây. Em cảm nhận được rằng bố có thể hiểu và thấy được đây chính xác là nơi phù hợp nhất dành cho em. Khoảng 1-2 tuần sau, em được phụ huynh đồng ý và chính thức nhập học ở Arena Multimedia. Đây chính là phao cứu sinh cảm xúc của em ở tuổi 20 đầy khó khăn. Và thật tình cờ, em đã khỏi tiền đình khi em học tại Arena Multimedia.

Thầy Dũng:
Gia đình cảm thấy như thế nào về quyết định này của em?

Hoàng Đăng:
Hồi đầu, bố em cảm thấy lạ lẫm. Tuy nhiên cũng khá may mắn vì em với bố hợp tính, hay chia sẻ sở thích với nhau như: Xe cổ, đồng hồ,… Bố em cũng là người luôn chịu tìm tòi cái mới. Khi nói về Mỹ thuật Đa phương tiện, bố cũng đã mất một khoảng thời gian để tìm hiểu về ngành nghề này vì thời điểm đó nó vẫn còn mới lạ. Và sau cùng em luôn muốn gửi lời cảm ơn tới bố mẹ vì đã thấu hiểu và cho phép em theo đuổi con đường này vào thời điểm ấy.

Thầy Dũng:
Arena Multimedia đã giúp em thay đổi tư duy như thế nào?

Hoàng Đăng:
Arena Multimedia đã giúp em không còn là một Hoàng Đăng lên mạng tìm hiểu lờ mờ hay vu vơ nữa, mà sau khi học thì khi em muốn lên mạng là phải ra việc rõ ràng.
Trước đó em bị ấn tượng bởi những bức ảnh do chính bạn em chụp, mục đích em vào Arena Multimedia là học chụp ảnh vì cảm thấy nó rất “nghệ”. Nhưng trong quá trình học, em lại đam mê Design. Kỳ I chính là kỳ học đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ trong em. Đồ án năm đó em làm về chủ đề trượt ván (Ván Trượt The Ultiskate). Cá nhân em thấy bài đồ án chưa được hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, nhưng điều làm em tự hào đó chính là sự chỉn chu và kỹ càng trong mọi khâu, em cũng học hỏi từ những người đi trước rất nhiều. Cho đến tận bây giờ em vẫn luôn dùng kiến thức của kỳ I để đưa vào các sản phẩm của mình.

Thầy Dũng:
Điều gì đã cuốn hút em trong quá trình học tập tại Arena Multimedia?

Hoàng Đăng:
Em nghĩ rằng được học từ các thầy đó chính là khả năng Research, sau đó đến Basic Art. Có lẽ hiện tại các bạn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của Basic Art nhưng khi đi làm, bạn sẽ hiểu nó quan trọng như thế nào. Nếu không học về Basic Art, bạn sẽ lấy quy chuẩn nào để làm thước đo cho cái đẹp? Ngày xưa em nhìn một bức tranh, hình ảnh đơn thuần chỉ biết là đẹp, không biết đẹp như thế nào cả. Sau khi học về Basic Art, em đã hiểu tại sao nó lại đẹp như vậy. Một sản phẩm sẽ có cái đẹp – điều hay. Hay hay không là do kinh nghiệm của mình còn cái đẹp chắc chắn được đánh giá qua những kiến thức. Tới tận bây giờ, em vẫn khuyên các bạn nhỏ tuổi hơn em đó là: Hãy học Basic Art đi vì nó cực kỳ quan trọng trong công việc. Chúng ta không thể đánh giá và hiểu sản phẩm ra sao khi không phân tích được cái đẹp trong nó!

Thầy Dũng:
Theo Đăng, Arena Multimedia là gì?

Hoàng Đăng:
Điều mà Arena Multimedia mang đến cho em là nền tảng về suy nghĩ.

Thầy Dũng:
Sau khi tốt nghiệp Arena Multimedia, định hướng về nghề của em đã có sự thay đổi như thế nào?

Hoàng Đăng:
Thật ra định hướng về nghề của em có nhiều sự thay đổi trong từng giai đoạn. Ở 2013, thứ duy nhất em nghĩ đến đó là: Tôi sẽ là một Kỹ sư giỏi hoặc là một Vũ công giỏi.
Sau khi em hoàn thành chương trình học ở Arena Multimedia, điều đầu tiên em ra trường đó là em muốn về quê để sống gần gũi hơn với gia đình nên em đã làm việc tại một tiệm ảnh cưới ở Vinh. Là một đứa cầu tiên và luôn mong muốn đem đến sự khác biệt, khi đó em mang tất cả cảm xúc của mình vào trong các sản phẩm quay cho đám cưới. Thời đó cũng có tiếng một chút và nhận được nhiều lượt “booking”.
Sau khoảng gần 2 năm ở Vinh, em quyết định ra Hà Nội để tìm cơ hội mới. Việc đầu tiên em làm đó là fashion film, rồi lookbook cho các nhãn hàng. Sau sự nỗ lực và nhờ giúp đỡ của các anh chị em quen biết, chiếc MV đầu tiên em thực hiện đó là Hà Nội Xịn của LK. Đấy là lần đầu tiên em được làm MV với 5 chiếc máy quay. Vì kinh phí eo hẹp nên em đã phải đi mượn máy và khi về đổ sources ra thì ra 5 màu vì 5 máy khác nhau. Dù có khó khăn nhưng sau khi kết thúc dự án, em cảm thấy “phê” và tự hào khi mang được những suy nghĩ của bản thân đưa vào MV. Lúc đó em đã quyết định tiếp tục theo đuổi con đường này.

Thầy Dũng:
Chắc hẳn có rất nhiều người tò mò về vị trí Đạo diễn. Vậy cái nghề này đến với em như thế nào?

Hoàng Đăng:
Trước khi bén duyên với nghề Đạo diễn thì em đã làm với vị trò là Quay phim. Cho tới một ngày em nhận ra được rằng: Mình có nhiều suy nghĩ quá mà người đạo diễn này không cùng suy nghĩ với mình. Thêm vào đó, em đã quay và mang về rất nhiều thước phim em nghĩ là đắt giá nhưng khi dựng lên không có được chất lượng như em mong muốn. Sau lúc đó trong tâm trí của em dần hình thành ý tưởng muốn trở thành đạo diễn và em đã bắt đầu trải nghiệm với sự ủng hộ của mọi người. Thật ra em là một người rất dễ giao tiếp nên em đã nhận được nhiều lời “rủ rê” tới từ anh chị em đồng nghiệp. Cũng khá may mắn là thời điểm đó em đã được tìm tới bởi nhiều người và bắt đầu thực hiện với vai trò đạo diễn thương mại.
Để nói về việc làm thế nào để trở thành đạo diễn thì thật sự em không biết làm như thế nào bởi vì nó có muôn hình vạn trạng để mình tiếp cận vị trí này. Nhưng em nghĩ rằng thứ bắt đầu dễ nhất để chạm tới đạo diễn đó là: Tình yêu. Chỉ cần mang trong mình thật nhiều năng lượng “yêu” thì nghề đạo diễn sẽ “yêu” lại mình.

Thầy Dũng:
Dự án mà Đăng yêu thích nhất trong thời gian vừa qua là gì?

Hoàng Đăng:
Dự án yêu thích nhất đối với em trong năm 2023 vừa qua đó chính là: MV Pho Real và MV Vụ Nổ Lớn – Không quan trọng. Cả hai dự án đến với em đơn giản chỉ với cuộc gọi đến từ bạn bè. Đặc biệt với dự án Pho Real, BBNo$ là một idol thế giới, bạn ấy chưa từng tiếp xúc với văn hóa Việt nam nên chúng em muốn mang tới những điều gần gũi nhất để bạn ấy có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất có thể.

Thầy Dũng:
Một điều Đăng nhận ra sau khi thay đổi môi trường làm việc chuyển vào Sài Gòn?

Hoàng Đăng:
Do sự cởi mở và dễ chia sẻ của con người Sài Gòn nên em muốn phát triển bản thân mình ở nơi này. Thời gian đầu em bị ngợp bởi sự chuyên nghiệp trong công việc và năng lượng của con người nơi đây. Về sau em nhận ra càng giao tiếp thì càng đỡ sợ hơn tại vì mình chưa biết nên mình mới thấy kinh khủng thôi. Thời gian đầu mình thấy người Sài Gòn chuyên nghiệp quá, mình không theo nổi, không biết làm như thế nào để bắt kịp nhịp độ làm việc. Sau khi nói chuyện với những anh em đồng nghiệp thì em đã biết rằng mình là một phần của quy trình đấy. Đến tận bây giờ em thấy rằng giao tiếp chính là “key” để em làm việc trong ngành này. Đây không phải là ngành đơn lẻ mà là đề cao tinh thần team-work. Mình cần phải giao tiếp thật nhiều để mọi người hiểu nhau hơn và tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu mình chỉ ôm khư khư công việc cho bản thân thì sẽ rất lãng phí.

Thầy Dũng:
Tại sao em lại biết tới và kết hợp nhiều dự án cùng AntiAntiArt?

Hoàng Đăng:
Em biết tới Phương Vũ và AntiAntiArt do bạn bè. Chúng em làm việc chung với nhau từ MV Tự Hào Bay Cao của VinGroup. Hồi đó chưa gặp nhau, chỉ trao đổi online nhưng chúng em đã “matching” ý tưởng và hướng đi cho sản phẩm đó cùng nhau.
Với nhiều ấn tượng về Phương Vũ, em đã tham gia thực hiện ngay MV đó với ông bạn. Em phải thức từ 11h đêm tới 11h trưa ngày hôm sau để hoàn thiện ý tưởng và “đấu” với những bên khác trong chiến dịch này. Cuối cùng thì chúng em cũng “win” và được thực hiện dự án với VinGroup.
Em nghĩ bước ngoặt tiếp theo của em trong ngành này đó là sự gặp mặt và làm việc với Phương Vũ. Ngày xưa em suy nghĩ rất đơn giản, đơn giản lắm nhưng khi gặp được Phương Vũ, em luôn muốn làm cho sản phẩm của mình phải vượt qua cả “target” đã đưa ra, làm mọi thứ đạt hơn cả mong đợi. Đó chính là sự cố gắng và nỗ lực mà em muốn hướng tới dành cho các sản phẩm của mình.

Thầy Dũng:
Đăng có thường đưa ra quy chuẩn nào trong việc lựa chọn dự án hay không?

Hoàng Đăng:
Thường em sẽ lựa chọn “pitching” những dự án phù hợp với màu sắc và định hướng của bản thân. Ngoài ra, em cũng đặt cho bản thân 2 tiêu chuẩn khi lựa chọn dự án đó là:
– Nếu dự án ít tiền thì nó phải hay, có hứng thú, character (nhân vật) phải thú vị đủ gây sự ấn tượng.
– Nếu không thì nên nhiều tiền!
Thực ra là đạo diễn, nếu mình có một sản phẩm không tốt thì mình sẽ “đau” cả tuần, cả tháng, thậm chí nửa năm. Chính vì vậy mình cần phải làm cho tốt để không hối hận. Suy nghĩ của khán giả, cái tôi của người nghệ sĩ, sẽ luôn đặt ra nhiều câu hỏi dằn vặt bản thân mình.

Thầy Dũng:
Khi nói về thế hệ trẻ bây giờ, Đăng cảm nhận ra sao?

Hoàng Đăng:
Em thấy các bạn rất giỏi nhưng lại dễ bị thu mình, nên điều đó chắc chắn sẽ cắt đứt nhiều hướng đi có ích cho mọi người. Nên việc giao tiếp trong công việc vô cùng quan trọng. Không chỉ vậy, bạn cũng nên giao tiếp tiếp thật tốt để kiếm về cho mình một người mentor đủ tài năng, chắc chắn sẽ giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều mới đó nha!

Thầy Dũng:
Nói về chuyện làm Đạo diễn, những thách thức Đăng gặp phải trong quá trình tiền kỳ và em đã vượt qua như thế nào?

Hoàng Đăng:
Tất cả các dự án mà em từng thực hiện, cái khó nhất chính là bối cảnh. Bối cảnh ở nước ngoài rất sẵn, nhưng ở Việt Nam thì khó tìm hơn. Nên khi em muốn tìm một bối cảnh mang tính đại diện thì rất mất thời gian. Tiếp theo đó là giao tiếp với những cô chú diễn viên bởi sự cách biệt thế hệ. Những điều mình nói với cô chú rất khó để hiểu hết. Mình phải nói chuyện rất nhiều và tìm cách để “kill” nhịp. Ngày “on-set” có “win” hay không, đều hoàn toàn quyết định vào tiền kỳ. Nếu tiền kỳ chưa chắc, chúng em sẽ không để lên “set” với tâm thế bất an, mọi thứ cần phải chuẩn bị hết. Vì nếu không, sẽ không thể đảm bảo được sản phẩm và không chuyên nghiệp.

Thầy Dũng:
Theo Đăng, xu hướng mới trong ngành Sáng tạo trong thời gian sắp tới là gì?

Hoàng Đăng:
Ở góc nhìn của em, ngành Phim nói riêng và ngành Sáng tạo nói chung đang đói khát những cái mới và rất dễ bị đào thải. Nếu không giữ được nhịp sáng tạo liên tục thì sẽ bị đào thải ngay.

Thầy Dũng:
Theo Đăng, các bạn học viên của Arena Multimedia mới bắt đầu dấn thân vào ngành Phim thì nên đứng ở mảng nào giữ vô vàn lựa chọn?

Hoàng Đăng:
Các bạn cần xác định mình thích gì để theo đuổi được dễ dàng. Mỗi bạn trẻ đều có ngôn ngữ riêng, các bạn hiểu bản thân thì hãy “vạch” nó ra bằng sản phẩm của chính mình. Em nghĩ rằng các bạn bây giờ có rất nhiều người bạn làm nghệ thuật chứ không giống như thời của em. Chúng ta nên tìm nhau để kết nối tri thức và đặc biệt nó phải MIỄN PHÍ. Ngành Sáng tạo là nghề của những người bạn. Người bạn có thể trở thành những người đồng đội trong tương lai. Em chắc chắn rằng một người giỏi sẽ không bằng một đội hình giỏi.

Thầy Dũng:
Nguồn cảm hứng sáng tạo đến từ đâu, Đăng có sợ bị mất đi nguồn cảm hứng dồi dào hay không?

Hoàng Đăng:
Từ trước tới giờ, em vẫn luôn ở trong cái cảm giác: Nếu mình không nghĩ được cái gì đó thì sao? Hiện tại, em vẫn giữ được sự sáng tạo bởi vì em luôn muốn khoe những ý tưởng của mình cho người khác thấy. Khi làm về sáng tạo phải giữ được sự hồn nhiên. Nếu cứ toan tính thì càng ngày sẽ không suy nghĩ được gì. Mọi thứ sẽ dần bị thui chột và trở nên nặng nề trong chính suy nghĩ. Nên em luôn giữ bản thân thật hồn nhiên như những đứa trẻ để dễ thoát ra những suy nghĩ của bản thân. Nhưng tất nhiên vẫn phải nghiêm túc trong công việc.

Thầy Dũng:
Hoàng Đăng nghĩ sao về sự thất bại và rủi ro?

Hoàng Đăng:
Rủi ro là thứ mình nên kiểm soát, nếu không kiểm soát được thì nó rất nguy hiểm với nhiều người. Nếu mình đang có đội ngũ, tại sao mình lại để cho nó rủi ro?
Thất bại trong ngành Sáng tạo là điều không thể tránh được. Hãy rút ra cho bản thân một bài học đắt giá để không “lãng phí” sự thất bại này. Thành công thì khó để đạt được còn thất bại là điều rất dễ. Nên khi thất bại, không có gì phải ngại cả. Bản thân những “Director” nổi tiếng hay em là một người bình thường cũng đều có những sản phẩm thất bại và giấu đi, không muốn để ai được biết tới. Thậm chí là đổi cả tên để không ai nhận ra. Nhưng khi thành công thì hãy cứ khoe với cả thế giới, không có gì phải ngại cả.

Thầy Dũng:
Đăng hãy chia sẻ dự định sắp tới của bản thân tới tất cả mọi người?

Hoàng Đăng:
Em là một đứa vô cùng hồn nhiên nên em chưa bao giờ nghĩ xa trong tương lai và cũng chưa chuẩn bị cho điều gì. Em chỉ đón nhận một cách vui vẻ khi điều đó nó đến với em. Em thấy rằng nếu cơ hội đến mà mình làm ngoài sức tưởng tượng thì các cơ hội phía sau sẽ ngày càng đến gần và chất lượng hơn. Suy nghĩ của em hiện tại là chỉ muốn làm tốt chứ chưa có dự định cho điều gì xa xôi phía sau.

Thầy Dũng:
Cuối cùng, Đăng có lời nào muốn gửi tới những người đã đồng hành cùng em trong hành trình “vượt vũ môn” ngành Sáng tạo hay không?

Hoàng Đăng:
Lời đầu tiên dành cho hai người quan trọng nhất trong cuộc đời của con, con cảm ơn bố mẹ đã cho con học Arena Multimedia – Nơi đã thay đổi toàn bộ về suy nghĩ và cuộc sống của con sau này và mở ra nhiều cơ hội mới.
Nếu vô tình xem được bài phỏng vấn này thì cảm ơn Hải, Phập, Huy, Hoàng vì đã đồng hành cùng nhau trong hành trình tại Arena Multimedia.
Em vô cùng biết ơn và cảm ơn Arena Multimedia. Em cảm ơn thầy Lợi đã nhiệt tình và nói chuyện với em rất nhiều, mang đến cho em những kiến thức thú vị. Cảm ơn thầy Hiệp đã là nguồn cảm hứng của chúng em. Cảm ơn thầy Đỗ Quốc Trung và hy vọng thầy luôn tiếp tục truyền “lửa” tới các bạn trẻ sau này. Cảm ơn chị Vân, một người chị như người mẹ, đốc thúc chuyện học hành tại đây. Cảm ơn chị Phương.
Chúc mọi người luôn giữ được năng lượng để lan tỏa những điều tích cực tới mọi người xung quanh!

Thầy Dũng:
Rất là tự hào về phụ huynh của Hoàng Đăng. Cảm ơn anh chị đã cho ngành Sáng tạo một đạo diễn xuất sắc, đã cho Arena Multimedia một học viên tài năng. Chỉ cần để cho các con được làm những gì các bạn muốn – đây là điều rất quý giá của thế hệ đi trước, nó đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Các anh chị đã biết buông bỏ đúng thời điểm. Cảm ơn anh chị!

Hoàng Đăng chính là minh chứng cho việc: Sáng tạo là không có khuôn khổ, hiểu rõ bản thân muốn gì và nỗ lực chắc chắn sẽ đạt được ước mơ của mình. Cảm ơn Hoàng Đăng đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này, năng lượng tràn đầy cùng những chia sẻ đến từ góc nhìn cá nhân chắc chắn sẽ trở thành động lực để nhiều hơn các bạn trẻ dám dũng cảm thử sức ở “Vũ trụ Multimedia”. Chúc Đăng luôn tự tin và mang đến những sản phẩm sáng tạo, giá trị hơn nữa trong tương lai.

Phỏng vấn: Mike D

Bài viết: Tùng Dương

Dựng video: Nguyên Phúc

Quay video: Sơn Deco

Hỗ trợ: Lưu Ly, Cảnh An