Công chúng biết đến FAPtv với các thành tích cực khủng thông qua những bộ phim được phát hành trên Youtube. Tuy nhiên, chẳng thành công nào có thể đạt được một cách dễ dàng. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, nhóm FAPtv nói chung và Trần Đức Viễn nói riêng đã đối mặt với vô vàn khó khăn, bắt đầu chỉ bằng đam mê và sự dũng cảm, không ai dám tin những con người trẻ tuổi ấy sẽ thành công. 

Vậy mà họ đã làm được, đặc biệt, vị đạo diễn đứng sau những tác phẩm đình đám của FAPtv – Trần Đức Viễn là minh chứng sống động cho hành trình tuổi trẻ đầy đam mê, liều lĩnh, dám nghĩ và dám làm. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng nhìn lại chặng đường chinh phục thành công của chàng đạo diễn 9x này – một trong những gương mặt học viên tiêu biểu nhất của Arena Multimedia.

Chàng trai viết code vô tình bén duyên với làm phim

Trần Đức Viễn sinh năm 1990, trước khi bén duyên với công việc làm phim anh từng theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại một trường Đại học của Sài Gòn. Anh chàng thừa nhận vào thời điểm đấy do không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chỉ vì yêu thích làm việc với máy tính mà lựa chọn theo học Công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, trải qua gần hai năm tại giảng đường Đại học anh đã không còn cảm thấy hứng thú với những dòng code khô khan, thậm chí Viễn đã từng nợ gần 10 tín chỉ học sau hơn một năm rưỡi bước chân vào Đại học.

Vào thời điểm loay hoay tìm kiếm con đường phù hợp với bản thân, theo lời rủ rê của một người bạn, Viễn bắt đầu tham gia khóa học miễn phí về dựng phim tại Arena Multimedia. Đây cũng chính là lúc anh bắt đầu nhận ra đam mê thật sự của bản thân và quyết tâm theo đuổi con đường này đến cùng.

Vừa học vừa làm để theo đuổi ước mơ

Vào năm 2011, khi quyết định rẽ hướng và gác lại việc học tại giảng đường Đại học, Viễn đã gặp nhiều trở ngại, đặc biệt từ phía gia đình vì hầu như không có người ủng hộ cho sự lựa chọn này của anh chàng. Bên cạnh đó, khi quyết định theo đuổi đam mê, gánh nặng về chi phí học tập cũng là một thách thức rất lớn đối với Viễn. 

Theo học tại Arena Multimedia trong hai năm rưỡi, anh phải trải qua nhiều công việc để có tiền trang trải học phí. Chàng đạo diễn 9x từng làm phục vụ quán cơm, phụ hồ, công nhân, bán điện thoại,.. Thậm chí, trong suốt hơn một năm làm công nhân, mỗi ngày chàng trai này phải di chuyển quãng đường 60 cây số cả đi và về từ quận 2 sang Bình Tân. Tuy nhiên, như Viễn từng tâm sự: “Khó khăn sẽ giúp bạn nhận ra đam mê với nghề.”

Song song với việc đi làm, ngay khi hoàn thành học kỳ làm phim tại trường, Viễn bắt đầu dành thời gian và công sức để thực hiện một dự án clip ca nhạc cho người quen. Lần đầu tiên làm công việc này, mỗi ngày anh đều sắp xếp khoảng 3 giờ đồng hồ để dựng hình ảnh và làm kỹ xảo cho clip. Tuy sản phẩm không thể phát hành vì nhiều lý do khách quan nhưng thông qua công việc lần này Viễn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có thể chứng minh phần nào năng lực của bản thân trước nhà tuyển dụng.

Trong quá trình học tập, dẫu phải làm đủ nghề để trang trải chi phí, buổi sáng đi làm, buổi tối đi học nhưng anh chàng vẫn xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa của khóa học năm đó. Nhớ lại cảm xúc lúc đấy, Viễn dí dỏm chia sẻ: “Bữa tốt nghiệp, tôi có việc không lên nhận được bằng, mẹ tôi mới lên nhận giùm. Mẹ trực tiếp đứng lên bục giữa hội trường mấy trăm người. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất của mẹ. Mẹ tự hào, tại tôi trước giờ học “ngu” mà nay được thủ khoa”.

Từ công việc đầu tiên đến quyết định thành lập FAPtv

Sau ngày tốt nghiệp, gia nhập vào đội ngũ của một đơn vị chuyên quay các MV ca nhạc, chàng đạo diễn 9x đã có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau mà anh chưa từng được học khi còn ở trường. 

Viễn hào hứng kể lại: “Trong trường không dạy về ánh sáng. Nên khi đi làm tôi xin làm phụ đèn. Làm được mấy tiếng thì bên camera thiếu người, tôi chuyển qua quay phim. Trong lúc quay phim, tôi nói chuyện với tất cả mọi người trong ekip, phụ giúp này nọ rồi tôi làm tất cả luôn. Nhờ vậy mà biết được công việc của người ta như set dolly, làm ánh sáng… thế nào. Làm được một thời gian thì tôi chuyển qua làm dựng phim, chỉnh màu. Có khi sếp bận thì tôi làm thay luôn.”

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt quá trình làm việc, sau tết nguyên đán năm 2014, Viễn cùng Thái Vũ và Ribi Sachi đã nảy ra ý tưởng thành lành nhóm hài trên kênh Youtube. Thời điểm này, Viễn cảm nhận được tiềm năng của thị trường phim ảnh trên Youtube cùng niềm tin vào những sản phẩm do mình thực hiện, anh không ngần ngại kết hợp với những người bạn thành lập nên FAPtv.

Thành công không dễ dàng đạt được

FAPtv bắt đầu với nhiệt huyết to lớn của chàng đạo diễn trẻ – Trần Đức Viễn, anh từng chia sẻ: “Tôi có xem nhiều clip hài trên Youtube và không thấy “phê”. Tôi nghĩ mình có thể làm nhiều hơn thế.” Tuy nhiên, con đường mà anh cùng những người bạn trải qua  từ những ngày đầu thành lập FAPtv lại chẳng hề dễ dàng.

Đặc biệt, gánh nặng về kinh phí sản xuất là một trong những khó khăn lớn nhất mà nhóm phải đối mặt. Hồi tưởng lại khoảng thời gian đấy, anh tâm sự với Arena Multimedia: “Đỉnh điểm là sau một năm hoạt động, Viễn, Vinh Râu, Thái Vũ, Huỳnh Phương và một số anh em khác quyết định bỏ hết công việc ngoài để tập trung hoàn toàn cho FAPtv. Áp lực đến từ chi phí sinh hoạt vì mọi nguồn thu nhập lúc này đều bị cắt, tiền lương đưa về cho gia đình mỗi tháng thì không có, mọi người đều hoài nghi về mức độ khả thi bọn mình bỏ hết việc để dồn vào việc sản xuất clip hài trên mạng.”

Bên cạnh đó, mọi việc đều được nhóm sắp xếp một cách hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho đoàn làm phim. Cả nhóm hầu như chỉ chọn họp kịch bản và quay phim tại những địa điểm rẻ nhất có thể, cơm thì mang từ nhà lên. Viễn tiết lộ: “Mọi người tranh thủ ăn trưa ở nhà rồi chọn một quán trà sữa rẻ, vắng, có máy lạnh để có thể ngồi liên tục 6 tiếng mà không bị đuổi. Lúc đi quay, nhóm cũng chọn một quán mới mở vì vắng khách để không ảnh bị ảnh hưởng tiếng ồn trong clip. Vì nếu khách đông sẽ phải trả một số tiền rất lớn để bao nguyên quán. Kịch bản cũng chỉ viết trong quán cà phê, hạn chế những cảnh nhà giàu vì quay những cảnh này rất xa xỉ với nhóm.”

Khó khăn là thế, tuy nhiên cả nhóm vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Từ tiền lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng sau 3 tháng đầu làm Youtube, tiếp đó là 8 triệu, rồi đến những hợp đồng quảng cáo đầu tiên và hiện tại là kênh Youtube đạt nút kim cương đầu tiên tại Việt Nam với hơn 10 triệu lượt đăng ký, FAPtv là minh chứng sống động cho nỗ lực và niềm đam mê của các bạn trẻ.

Trong suốt hành trình đã qua, Trần Đức Viễn nói riêng và cả nhóm nói chung đã không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân để mang đến cho công chúng những thước phim ngày càng chất lượng và để lại nhiều giá trị nhân văn sâu sắc trong lòng người xem. 

Chàng đạo diễn 9x bộc bạch: “Trong lúc làm FAP, mình may mắn gặp được những người thầy cũng làm phim điện ảnh chuyên nghiệp. Mình hiểu được phim của mình đang dở ở chỗ nào. Trước đó rất hên xui, mình nghĩ ra kịch bản xong, mình làm phim xong, có thành phẩm xong mình biết nó hay dở, nhưng không biết tại sao phim dở, phim hay. Nhưng sau này mình học thì mình kiểm soát từ làm kịch bản, kiểm soát được chất lượng phim.”

Hy vọng với niềm đam mê và tinh thần cầu tiến, học tập không ngừng nghỉ, vị đạo diễn trẻ đầy tài năng cùng những người bạn trong nhóm FAPtv sẽ ngày càng thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp phía trước.