Khởi đầu từ một Production House nhỏ, nhưng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng khả năng thay đổi linh hoạt, Alien Media đã chứng minh chỗ đứng vững chắc của mình trong ngành Sáng tạo tại Việt Nam. 

Trong phần hai của cuộc trò chuyện cùng hai Founder của Alien Media, bạn sẽ được biết thêm nhiều điều về bức tranh ngành sản xuất sáng tạo tại Việt Nam và cơ hội dành cho những ai đam mê bước chân vào lĩnh vực này.

Là một trong những đơn vị dẫn đầu xu hướng trong việc làm MV, hai anh nghĩ rằng đâu sẽ là xu hướng hiện tại và tương lai của ngành Giải trí Việt Nam nói chung?

Kawaii Tuấn Anh: Tôi chưa có đủ kiến thức để dự đoán về tương lai của ngành Giải trí Việt Nam, nên tôi xin phép sẽ thể hiện một ít góc nhìn của mình về lĩnh vực sản xuất MV.

Từ sau đại dịch, tôi nhận ra thị trường sản xuất và tiêu thụ âm nhạc ở nước ta đang vận hành rất khác. Hình thức Music Streaming (phát nhạc trực tuyến) đã trở nên quen thuộc. Điều này dẫn đến việc bảng xếp hạng Youtube không còn là mối bận tâm duy nhất của các nghệ sĩ nữa, mà thay vào đó, họ bắt đầu chú ý hơn đến vị thế của mình trên bảng xếp hạng Streaming – nơi khán giá chấp nhận trả tiền để nghe nhạc của họ. 

Lý do tôi nói điều này ra là để mọi người hiểu rằng, khi chiến lược đầu tư của nghệ sĩ cho một sản phẩm âm nhạc thay đổi, thì rõ ràng ngành sản xuất MV cũng có nhiều biến động. Ngoài việc nghệ sĩ không thể đầu tư 100% vốn liếng vào MV thì vẫn còn rất nhiều yếu tố khách quan khác, rõ ràng nhất mà chúng ta có thể thấy là cơn bão suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến các nhãn hàng, nên chi phí họ đầu tư cho “celeb” cũng ít hơn hẳn. Đó là tình trạng chung và chúng ta buộc phải chấp nhận. Nhưng tôi tin mọi việc đều có chu kỳ vận hành lên xuống liên tục. Thời điểm trước dịch, ngành sản xuất hình ảnh, MV đã ở cái đỉnh rất cao thì giờ nó phải tạm thời lắng xuống. Đến một lúc nào đó, khi nhu cầu thị trường trở lại thì chắc chắn nó sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Có sản phẩm Sáng tạo nào khiến các anh thích thú trong thời gian gần đây không?

Kawaii Tuấn Anh: Dạo này tôi hay nghe nhạc và xem MV của các bạn ca sĩ trẻ. Tôi thích Tlinh, Grey D, Wren Evans. Các bạn ấy đều mang đến những nguồn năng lượng rất mới mẻ và thời thượng nên được số đông khán giả trẻ ủng hộ. Cá nhân tôi vừa ngưỡng mộ, lại vừa thấy cảm giác chân thực mà lứa nghệ sĩ này mang đến cho công chúng mới hay ho làm sao. Nên tôi mong rằng một ngày nào đó sẽ được hợp tác với những nghệ sĩ như thế.

Là người đứng đầu của một Creative Production House, hai anh đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của công nghệ đến lĩnh vực sáng tạo?

Kawaii Tuấn Anh: Hiện tại, có thể thấy rõ trí tuệ nhân tạo AI đang có mặt trong rất nhiều ứng dụng công nghệ. Đến cả Adobe cũng không nằm ngoài cuộc đua tích hợp AI, và sự thật thì nó khá hữu dụng khi giúp chúng ta tiết kiệm được kha khá thời gian so với trước đây. Tuy nhiên, đối với tôi thì công nghệ luôn là công cụ, còn nó không thể thay thế vị trí của con người trong lĩnh vực sáng tạo được. Vì trí tuệ chúng ta là bao la bát ngát, và chỉ có chúng ta mới đủ sức nghĩ ra những thứ mới lạ.

Phan Giang: Tôi đồng ý với suy nghĩ của Kawaii. Riêng tôi nhìn nhận, ngành sáng tạo là một lĩnh vực đặc biệt chú trọng vào con người. Ở đó của chúng ta làm việc cật lực để mang đến những tác phẩm giàu cảm xúc. Dĩ nhiên, công nghệ được ứng dụng một cách đúng đắn sẽ đưa ý tưởng sáng tạo đi rất xa. Tôi hy vọng trong tương lai, Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu về mặt sản xuất để giành lấy cơ hội tham gia vào các dự án chất lượng của thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ nhanh chóng học hỏi và áp dụng được những thứ mới mẻ vào thực tế so với điều mà chúng ta đang thấy trên báo chí truyền thông.

Ngành Sáng tạo Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây luôn có những điểm sáng nhất định, tuy nhiên nếu khách quan mà nói, chúng ta vẫn còn thua thiệt nhiều so với thị trường trên thế giới. Theo các anh, ngành Sáng tạo nói chung hay lĩnh vực Truyền thông & Giải trí nói riêng của Việt Nam hiện tại, chúng ta đang có những lợi thế và bất lợi nào? 

Phan Giang: Ồ, lại là một câu hỏi khó trả lời, vì ngành sáng tạo nói chung và truyền thông giải trí nói riêng tại Việt Nam thì nhiều mảng lắm, còn chúng tôi chỉ tập trung vào những thứ đang làm thôi, đó là sản phẩm nghệ thuật. Theo tôi, thị trường Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển, trong đó lợi thế nhất là sở hữu một thế hệ các bạn trẻ tài năng. Cái tôi luôn trăn trở ở đây, đó là làm cách nào tận dụng tài năng và tạo ra một môi trường phát triển xứng đáng cho họ.

Thứ mà ngành sản xuất Việt Nam đang thiếu đó là trải nghiệm thực thụ và chuyên nghiệp trên các sản phẩm của thế giới. Như tôi đã nói, chỉ có rất ít đơn vị trong nước được tham gia vào những dự án outsource của Hollywood, nhưng dẫu sao vẫn còn những tín hiệu đáng mừng. Dĩ nhiên, để vươn đến cái tầm biến ngành sản xuất sáng tạo nước nhà trở thành một nền công nghiệp thì còn là câu chuyện dài, vì nó không chỉ cần năng lực, đam mê mà còn cần cả tài chính nữa. Chúng ta cứ nên đặt niềm tin về sự kế thừa, phát huy và không ngừng vươn lên của lớp trẻ bây giờ.

Hai anh đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực của ngành Sáng tạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Phan Giang: Ở Alien Media, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các bộ phận từ sản xuất, hậu kỳ đến phát triển kinh doanh, marketing… là rất lớn, nhưng để tìm thấy người phù hợp thì không phải chuyện dễ dàng. Điều đó khiến chúng ta buộc phải nhìn lại bức tranh đào tạo và cơ hội việc làm dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, có một số ngành được các trường tập trung đầu tư giảng dạy, chúng liên quan đến AI, Technology, Blockchain, VFX… Liên quan đến VFX, vì tính chất ngành đòi hỏi các bạn phải va chạm thực tế nên học lý thuyết và thực hành ở trường là chưa đủ, các bạn cần tìm kiếm cơ hội làm việc trong những doanh nghiệp để trưởng thành hơn về mặt tư duy lẫn kỹ năng làm nghề. Đó là lý do vì sao chúng tôi luôn muốn thu nạp nhân sự mới, tạo điều kiện để các bạn ấy cọ xát với thực tế. Khi thị trường đang chững lại, công việc cần thiết của người làm đào tạo hay phát triển nguồn nhân lực là nghiên cứu kỹ chiều hướng phát triển của ngành, từ đó tổ chức thêm nhiều khóa học, workshop, hay tạo ra các cuộc thi, dự án đầu tư nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội tham gia và học hỏi.

Kawaii Tuấn Anh: Tôi có một góc nhìn tích cực về Gen Z vì tôi được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ sinh sau năm 2000, các bạn chỉ mới học cấp ba thôi nhưng đã có thể tự quay clip, làm graphic design chuyên nghiệp. Không chỉ sáng tạo, các bạn ấy còn chủ động nhắn tin tìm tôi để hỏi về kiến thức lẫn cơ hội. Vậy nên tôi dành rất nhiều năng lượng tích cực cho họ và luôn ủng tinh thần xong pha đó. Gần đây, tôi lại chợt nhận ra đa số các bạn đều muốn đi du học, chuyện này khiến tôi có hai luồng cảm xúc. Tôi vui mừng vì định hướng phát triển của thế hệ trẻ bây giờ nhưng cũng lo lắng vì không biết bao nhiêu người sẽ quay trở về quê hương làm việc. Thực tế ấy khiến chúng ta phải nghiêm túc xem xét về việc đầu tư giáo dục dành cho ngành này ở Việt Nam, khi mức độ đào tạo nghệ thuật của nước nhà vẫn chưa tiệm cận bằng thế giới. Tôi cho rằng, để có thể phát triển toàn diện cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trường học phải tạo môi trường cho các bạn xây dựng nền móng kiến thức vững chắc, các đơn vị như chúng tôi phải tạo cơ hội để các bạn cọ xát thực tế. Chính các bạn cũng phải tự thân nỗ lực nhiều hơn. Khi mọi thứ cùng nhau phát triển, cùng nhau đóng góp thì ngành Sáng tạo Việt Nam sẽ ngày càng tốt lên.

Hai anh có thể chia sẻ về tiêu chí tuyển dụng tại Alien Media không?

Kawaii Tuấn Anh: Tôi có hai tiêu chí tuyển dụng đối với đội ngũ sáng tạo:

Thứ nhất, ứng viên đó có phù hợp với công ty hay không? Khi nói chuyện và quan sát một người, tôi thường có cảm nhận nhất định dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm việc của mình. Đồng thời, tôi sẽ đánh giá năng lực của bạn ấy thông qua những sản phẩm mà bạn đã làm. Tôi không cần quá xuất sắc, chỉ cần nhìn thấy tiềm năng trong đó thì tôi chắc chắn sẽ cho bạn ấy cơ hội.

Thứ hai, ứng viên đó có điều gì nổi bật? Bình thường, khi ở trong một tập thể, các bạn sẽ phải tuân theo những điều cơ bản về kỷ luật, tác phong, kỹ năng mềm, v.v… Nhưng đối với tôi, cá tính là yếu tố quan trọng nhất khi làm sáng tạo, nên tôi rất ủng hộ các bạn thành thật với chính con người mình và không ngại thể hiện nó ra bên ngoài. Chỉ khi bạn thẳng thắn với bản thân thì bạn mới có thể thẳng thắn với mọi người và đưa được cái “chất” đó vào trong sản phẩm của mình.

Phan Giang: Alien đã bước qua năm thứ 10, với một đội ngũ được tổ chức chặt chẽ hơn cả về mặt chất lẫn mặt lượng. Nói vậy để các bạn biết rằng, ở bất kỳ vị trí nào khi chúng tôi tuyển dụng đều sẽ có những bài kiểm tra năng lực cụ thể. Ví dụ, nếu muốn đầu quân cho team VFX của Alien thì bản thân các bạn phải có khả năng nghiên cứu và tìm tòi cái mới. Bằng cách cho ứng viên trải nghiệm trên chính những Source phim mà Alien đã quay, các bạn vừa được tự do sáng tạo theo ý muốn, Alien Media vừa hay sàng lọc được nhân sự phù hợp nhất. Rất thực tế!

Tiếp nữa, trên kinh nghiệm sáng tạo của công ty, chúng tôi đánh giá rất cao các ứng viên có thể chủ động đưa ra góc nhìn riêng. Cá tính sẽ luôn được ưu tiên. Tùy theo yêu cầu cụ thể ở từng vị trí, chúng tôi sẽ đánh giá các bạn đang có gì và cần gì, từ đó, ban quản lý sẽ theo dõi để giúp các bạn kiện toàn hơn.

Cuối cùng, đây không hẳn là yêu cầu mà là một mong muốn của chúng tôi thì đúng hơn: Đừng cố gắng trở thành ai đó, hãy là chính các bạn. Tham gia vào đội ngũ Alien và cho chúng tôi thấy thứ riêng biệt của bạn đi.

Alien Media sở hữu một tập thể vững vàng, nơi đây khiến em có cảm giác rất cả nhân sự đều giống như người một nhà. Vậy thì các anh đã xây dựng văn hóa công ty như thế nào?

Kawaii Tuấn Anh: Đối với tôi đồng nghiệp không chỉ là cộng sự mà còn là bạn bè. 10 năm qua, tôi tự tin rằng mình hiểu từng người một trong Alien và tôi cũng muốn họ sẽ hiểu tôi như cách tôi thể hiện ra. Tôi rất tự hào vì xung quanh mình luôn có những người bạn cùng chung chí hướng, trải qua nhiều biến cố, mỗi chặng đường là một kỷ niệm, thành công thất bại đủ cả, nhưng cuối cùng cả đội ngũ Alien Media vẫn có thể sát cánh cùng nhau làm đến nơi đến chốn. Tôi từng nghĩ, nếu tập thể này lớn mạnh hơn, nhiều người hơn, tôi vẫn sẽ quản lý nó bằng một tinh thần cởi mở như vậy, và tôi vẫn đang cố gắng để làm tốt điều đó.

Phan Giang: Từ lúc tôi gặp Kawaii, cho đến khi chính thức bước vào Alien Media, tôi vẫn luôn muốn xây dựng nơi này trở thành một ngôi nhà. Ngôi nhà cho những bạn thích làm phim, thích sáng tạo. Chúng tôi chưa bao giờ nói lời từ chối với những bạn trẻ tiềm năng, kể cả khi họ chưa biết một chút gì về nghề, Alien vẫn sẽ mở rộng cửa đón bạn và trao cho bạn một cơ hội. Và đối với những người đang gắn bó hay đã rời xa nơi đây, tôi vẫn luôn nói, điều anh mong nhất là sau này các bạn vẫn còn trụ lại với nghề, vì còn trong nghề là sẽ còn được gặp nhau. Cho nên cái tinh thần “người nhà” đó được cộng hưởng từ rất nhiều thế hệ đến và đi chứ Alien không hề cố tình xây dựng.

Hai anh hãy gửi lời nhắn nhủ  đến các bạn trẻ đang chập chững bước vào ngành hoặc đang đứng trước ngưỡng cửa đam mê nhé!

Kawaii Tuấn Anh: Trùng hợp thay tôi đang làm giám khảo cho một cuộc thi có chủ đề về đam mê nên những ngày này đầu óc tôi cứ xoay quanh câu hỏi: Đam mê nằm ở vị trí nào trong mục đích sống của mình? Khi đọc bài dự thi của Gen Z, tôi còn cảm thấy bất ngờ hơn khi các bạn ấy cho rằng đam mê quan trọng nhưng đừng vì thế mà chạy theo những điều viển vông.

Ở độ tuổi bắt đầu trưởng thành, tìm được công việc đúng với đam mê là điều thật tuyệt. Nhưng để chạm được đến điều đó thì trước hết các bạn phải nhìn nhận xem công việc ấy có thật sự tỉ lệ thuận với đam mê hay không. Tiếp theo, bạn hãy trang bị cho mình một bộ kỹ năng, vì biết nghề thôi thì chưa đủ mà còn phải biết những kỹ năng mềm khác. Trong một thị trường cạnh tranh như hiện tại, việc biết mình biết ta để bồi đắp trọn vẹn kỹ năng cá nhân sẽ giúp bạn gia tăng khả năng cạnh tranh khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó. Cuối cùng, tôi hy vọng các bạn đừng vội vàng từ bỏ hay đánh mất niềm tin vào bản thân. Con đường nào chẳng đầy rẫy khó khăn, nhưng mọi hành trình vạn dặm đều bắt đầu bằng một bước chân.  

Phan Giang: Gần đây tôi khá quan tâm đến những chủ đề về Gen Z, vì báo chí truyền thông cho rằng các bạn ấy là thế hệ “ông chủ”, “bà chủ” khi được thừa hưởng rất nhiều điều kiện tốt đẹp mà thế hệ trước để lại. Tôi thì nghĩ, chính các bạn ấy cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực khi tìm cách vượt thoát khỏi những giới hạn mà người ngoài định sẵn. Để làm được điều đó, trước tiên các bạn phải học cách lắng nghe bản thân, hiểu mình có gì và cần gì. Điều thứ hai, hãy rèn luyện cho mình khả năng tự học. Công nghệ thông tin biến thế giới thành một mặt phẳng, nơi không có bất kỳ đường biên giới nào cho sự học hỏi của chúng ta, vậy nên biết tận dụng điều đó để khiến bản thân tốt lên từng ngày mới là người khôn ngoan. Điều thứ ba, hãy học cách cho đi. Bạn đóng góp được giá trị gì cho cộng đồng, cho gia đình. Dần dà, bạn sẽ học được cách cống hiến những điều tốt đẹp, rằng làm chuyện đó không chỉ vì bản thân mà còn vì những người bạn yêu quý. Thông qua ba điều này, có lẽ bạn sẽ tìm thấy đam mê của mình.

Cảm ơn hai anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Em tin rằng, với những thông tin hữu ích đến từ hai Founder của Alien Media sẽ giúp cho những bạn trẻ đang loay hoay tìm kiếm vị trí trong ngành sản xuất sáng tạo có thêm động lực để tiến về phía trước. Chúc 10 năm tiếp theo của Alien Media rực rỡ và hẹn gặp lại hai anh vào một ngày gần nhất. 

Cảm ơn bạn, cảm ơn khán giả. Ý cuối cùng thôi, đó là Alien luôn chào đón các bạn, hẹn gặp mọi người ở đây.

Xem thêm: Trò chuyện cùng Phan Giang & Kawai Tuấn Anh: 10 năm tiếp theo, Alien Media muốn truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ (Phần 1)

Nguồn: Vietnam VFX-Animation