Nhân dịp Arena Lê Tuấn Mậu chính thức được ra mắt, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về vị Danh nhân Kinh Bắc nổi tiếng của thời Lê Sơ (giai đoạn đầu của thời Hậu Lê), người nổi tiếng với học vị tiến sĩ, trung thành với vua và trí thông minh hơn người.

Tên chữ Hán: 黎俊楙
Năm sinh: 1467
Năm mất: 1526
Quê quán: Làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh 
Học vấn: Tiến sĩ
Chức quan: 

      • Đô ngự sử (Chức quan đứng đầu cơ quan của nhà nước phong kiến (ngự sử đài) có chức năng giám sát hoạt động của quan lại các cấp, theo dõi việc chấp hành pháp luật và mọi quy tắc do triều đình ban hành)

      • Lễ bộ thượng thư (Quan đứng đầu bộ Lễ, tương đương với bộ trưởng ngày nay)

    Cụ Lê Tuấn Mậu là một vị quan dưới thời Lê sơ. Ông người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cụ Lê Tuấn Mậu đỗ Tiến sĩ khi mới 24 tuổi, năm Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức thứ 21 thời vua Lê Thánh Tông. Về công việc trong triều, ông trông coi ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế, lương bổng, v.v. Nổi tiếng với thanh bạch, cẩn trọng, cứng rắn và thẳng thắn, ông rất được người đời nể trọng. Bên cạnh đó, ông còn có tài làm thơ và là một ngôi sao thơ ca trong Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú (Hội xướng họa thi ca do Hoàng đế Lê Thánh Tông sáng lập vào năm 1495). 

    Trong quá trình phụng sự cho đất nước, cụ Lê Tuấn Mậu giữ chức Đô Ngự Sử rồi đến Lễ Bộ Thượng Thư. Ông được biết đến là vị quan hết lòng vì triều đình và luôn bảo vệ vị vua của mình. Trong cuộc đời của cụ Lê Tuấn Mậu, giai thoại khiến ông được nhớ đến nhiều nhất chính là keo vật cùng với Mạc Đăng Dung. Một năm nọ dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình tổ chức hội thi tuyển tráng sĩ và người trở thành Võ Trạng Nguyên của năm đó. Sau đó, họ Mạc được sung vào đội túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua. Khoảng thời Đoan Khánh, Mạc Đăng Dung được thăng bổ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ (Theo Đại Việt thông sử). 

    Cảm thấy sự thăng tiến quá nhanh của Mạc Đăng Dung có thể gây hậu họa cho đất nước về sau, cụ Lê Tuấn Mậu cảm thấy không phục và cũng không ít lần cảnh báo nhà vua. Vốn không ưa vị tiến sĩ họ Lê,  họ Mạc lập tức xin vua để được tỉ thí cùng cụ Lê Tuấn Mậu. Vị quan văn không ngần ngại mà nhận lời ngay lập tức. Sau đó, ông bôi mỡ vào mình, cài thêm kim vào tóc và khố, dùng mẹo để đánh thắng tuyệt đối con người lực lưỡng như Mạc Đăng Dung đến mức suýt chết. Keo vật được ghi danh trong sử sách, không chỉ hạ bệ cái tôi của Mạc Đăng Dung mà còn nâng tầm sự thông minh của cụ Lê Tuấn Mậu. 

    LeTuanMau_Timeline

    Đúng như dự đoán của của cụ, Mạc Đăng Dung tạo phản, lật đổ nhà Lê, thao túng mọi quyền hành. Đến năm 1522, vua Lê Chiêu Hoàng vì không chịu nổi sự lộng quyền của họ Mạc nên đã chạy trốn khỏi hoàng cung và ra chiếu Cần Vương. Khi đó, rất nhiều quan văn, quan võ trong triều đã hưởng ứng. Tuy nhiên, chỉ có cụ Lê Tuấn Mậu và cụ Nguyễn Thái Bạt nhận mật chỉ ở lại triều đình tiếp tục làm quan dưới trướng vua Lê Cung Hoàng (do Mạc Đăng Dung dựng nên) để làm nội ứng khi có điều kiện. Nhưng sau đó một thời gian, vì không chịu nổi phe phái ngày càng bành trướng của Mạc Đăng Dung, cụ Lê Tuấn Mậu từ quan về quê, chính thức ở ẩn. 

    Năm 1527, nhà Lê hoàn toàn sụp đổ, nhà Mạc được thành lập. Khi đó, vị vua mới cưỡng ép các quan lại cũ của triều Lê phải đến chầu, trong đó có cụ Lê Tuấn Mậu. Không khuất phục cùng tôn chỉ không thờ hai vua, trong một lần đến buổi chầu, cụ đã cầm đá giấu trong tay áo để ném vào Mạc Đăng Dung nhưng không thành để rồi bị vị vua họ Mạc giết ngay sau đó. Tuy nhiên, có một số tài liệu khác viết rằng cụ Lê Tuấn Mậu ném chiếc nghiên đá vào Mạc Đăng Dung rồi đâm đầu vào cột đá tự tử.

    Câu chuyện một lòng phụng sự, trung thành với nhà Lê, tận trung với nước, công đức của ông vẫn còn lưu danh sử sách, được người dân truyền miệng qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Đến Thời Lê Trung Hưng, ông được truy phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Sau khi cụ Lê Tuấn Mậu qua đời, người dân xã Thụy Lâm và nhiều vùng quê xứ Kinh Bắc đã dựng đền thờ, hàng năm tổ chức hội vật để tưởng nhớ đến vị danh nhân Kinh Bắc. Đền thờ cụ Lê Tuấn Mậu được cúng tế mỗi năm và theo Lịch triều hiến chương loại chí, đền thờ được dựng tại thôn Nhội, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, là một ngôi đền thuộc cụm di tích Đền Sái. 

    Hiện nay tại quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên ông. Đường Lê Tuấn Mậu là một trong 3 cạnh tam giác của công viên Phú Lâm, nối 2 con đường lớn là An Dương Vương và Kinh Dương Vương. Đặt cơ sở mới tại con đường mang tên vị tiến sĩ nổi tiếng, Arena mong rằng các thế hệ học viên sẽ noi gương theo chí lớn của cụ Lê Tuấn Mậu để trở thành những con người tài giỏi, có ích cho xã hội và đất nước.

    Nguồn tham khảo: wikipedia, chonthieng, Danh Nhân Kinh Bắc
    TMT (Tổng hợp)
    Thiết kế: Olianji