Đạo diễn FAPtv – Trần Đức Viễn là minh chứng sống động cho hành trình tuổi trẻ đầy đam mê, liều lĩnh, dám nghĩ và dám làm. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng nhìn lại chặng đường vượt qua kỳ thi lớn nhất cuộc đời và hành trình chinh phục thành công của chàng đạo diễn 9x này.

Công chúng biết đến FAPtv với các thành tích cực khủng thông qua những bộ phim được phát hành trên Youtube. Tuy nhiên, chẳng thành công nào có thể đạt được một cách dễ dàng. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, nhóm FAPtv nói chung và Trần Đức Viễn nói riêng đã đối mặt với vô vàn khó khăn, bắt đầu chỉ bằng đam mê và sự dũng cảm, không ai dám tin những con người trẻ tuổi ấy sẽ đạt được thành công và có chỗ đứng trong ngành truyền thông & giải trí của Việt Nam như bây giờ. 

Chàng trai viết code vô tình bén duyên với làm phim

Trần Đức Viễn sinh năm 1990, trước khi bén duyên với công việc làm phim anh từng theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại một trường Đại học của Sài Gòn. Anh thừa nhận vào thời điểm đó, do không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên anh đã lựa chọn theo học Công nghệ thông tin chỉ vì yêu thích làm việc với máy tính.

Tuy nhiên, trải qua gần hai năm tại giảng đường Đại học anh đã không còn cảm thấy hứng thú với những dòng code khô khan, thậm chí Viễn đã từng nợ gần 10 tín chỉ học sau hơn một năm rưỡi bước chân vào Đại học. Vào thời điểm loay hoay tìm kiếm con đường phù hợp với bản thân, theo lời rủ rê của một người bạn, Viễn bắt đầu tham gia khóa học miễn phí tại Arena Multimedia. Đây cũng chính là lúc anh bắt đầu nhận ra đam mê thật sự của bản thân và quyết tâm theo đuổi con đường này đến cùng.

Vừa học vừa làm để theo đuổi ước mơ

Vào năm 2011, khi quyết định rẽ hướng và gác lại việc học tại giảng đường Đại học, Viễn đã gặp nhiều trở ngại. Trong đó, gánh nặng về chi phí học tập cũng là một thách thức rất lớn đối với Viễn. Theo học tại Arena Multimedia trong hai năm rưỡi, anh phải trải qua nhiều công việc để có tiền trang trải học phí. Chàng đạo diễn 9x từng làm phục vụ quán cơm, phụ hồ, công nhân, bán điện thoại,… Thậm chí, trong suốt hơn một năm làm công nhân, mỗi ngày chàng trai này phải di chuyển quãng đường 60 cây số cả đi và về từ quận 2 sang Bình Tân. Tuy nhiên, như Viễn từng tâm sự: “Khó khăn sẽ giúp bạn nhận ra đam mê với nghề.”

Song song với việc đi làm, ngay khi hoàn thành học kỳ làm phim tại trường, Viễn bắt đầu dành thời gian và công sức để thực hiện một dự án clip ca nhạc cho người quen. Lần đầu tiên làm công việc này, mỗi ngày anh đều sắp xếp khoảng 3 giờ đồng hồ để dựng hình ảnh và làm kỹ xảo cho clip. Tuy sản phẩm không thể phát hành vì nhiều lý do khách quan nhưng thông qua công việc lần này Viễn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có thể chứng minh phần nào năng lực của bản thân trước nhà tuyển dụng. Trong quá trình học tập, dẫu phải làm đủ nghề để trang trải chi phí, buổi sáng đi làm, buổi tối đi học nhưng anh chàng vẫn xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa của khóa học năm đó. 

Từ công việc đầu tiên đến quyết định thành lập FAPtv

Sau ngày tốt nghiệp, gia nhập vào đội ngũ của một đơn vị chuyên quay các MV ca nhạc, chàng đạo diễn 9x đã có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau mà anh chưa từng được học khi còn ở trường. 

Viễn hào hứng kể lại: “Trong trường không dạy về ánh sáng. Nên khi đi làm tôi xin làm phụ đèn. Làm được mấy tiếng thì bên camera thiếu người, tôi chuyển qua quay phim. Trong lúc quay phim, tôi nói chuyện với tất cả mọi người trong ekip, phụ giúp này nọ rồi tôi làm tất cả luôn. Nhờ vậy mà biết được công việc của người ta như set dolly, làm ánh sáng… thế nào. Làm được một thời gian thì tôi chuyển qua làm dựng phim, chỉnh màu. Có khi sếp bận thì tôi trực tiếp quay các MV dành cho thiếu nhi.”

Sau tết Nguyên Đán năm 2014, Sếp đề xuất Viễn thành lập một nhóm hài và sản xuất clip trên nền tảng Youtube. Tại thời điểm đó, Viễn cảm nhận được tiềm năng của thị trường phim ảnh trên Youtube cùng niềm tin vào những sản phẩm do mình thực hiện, nên anh đã không ngần ngại kết hợp với những người bạn là Thái Vũ và Ribi Sachi thành lập nên FAPtv.

Phấn đấu và nỗ lực để thành công

Trần Đức Viễn từng chia sẻ: “Tôi có xem nhiều clip hài trên Youtube và không thấy ‘phê’. Tôi nghĩ mình có thể làm nhiều hơn thế.” Với suy nghĩ táo bạo đó, sau nhiều năm ấp ủ, Trần Đức Viễn quyết định theo đuổi tiếng gọi của đam và nhiệt huyết. Anh thành lập FAPtv với mong muốn mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, con đường mà anh cùng những người bạn trải qua từ những ngày đầu thành lập FAPtv lại không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất là về phần truyền thông vì rất khó để tiếp cận đông đảo người xem. Kế đến là vấn đề về kinh phí lâu dài. Có những lúc, Viễn và đồng đội phải tối ưu hóa mọi chi tiêu bằng cách tranh thủ ăn trưa ở nhà rồi chọn một quán trà sữa rẻ, để có thể ngồi liên tục 6 tiếng mà không bị đuổi. Kịch bản cũng chỉ viết trong quán cà phê, công viên, nhà bạn bè, các bối cảnh không tính phí,… hạn chế những cảnh nhà giàu vì quay những cảnh này rất xa xỉ với nhóm.

Khó khăn là thế, tuy nhiên cả nhóm vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Từ tiền lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng sau 3 tháng đầu làm Youtube, tiếp đó là 8 triệu, rồi đến những hợp đồng quảng cáo đầu tiên và hiện tại là kênh Youtube đạt nút kim cương đầu tiên tại Việt Nam với hơn 10 triệu lượt đăng ký. Khi nhìn lại toàn bộ hành trình mà Trần Đức Viễn đã đi qua, nếu không có sở thích và khát khao muốn cống hiến những giá trị tích cực cho cộng đồng, nếu như không kiên trì cùng đam mê, làm sao có được chàng đạo diễn tài năng cùng FAPtv được hàng triệu bạn trẻ yêu thích như ngày hôm nay? Vượt qua rất nhiều thử thách, tự mình trả lời những câu hỏi mang tính bước ngoặt, đạo diễn Trần Đức Viễn chính là minh chứng sống động cho những người trẻ dám nỗ lực, dám vượt qua “kỳ thi lớn nhất cuộc đời” để theo đuổi đam mê đích thực và để rồi cuối cùng, anh thành công với sự nghiệp mà mình luôn mơ ước. Kỳ thi mà Viễn đã tự ra đề thi cho mình (đam mê, mục tiêu của bản thân là gì, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó,…), rồi tự mình đưa ra đáp án, đó là kỳ thi lớn nhất của chàng trai đã đạt danh hiệu Forbes 30 Under 30 vào năm 2018. 

Cùng Hoa Học Trò và Arena Multimedia, Học viện MAAC

vượt qua thử thách kỳ thi lớn nhất cuộc đời

Với mục đích cổ vũ, khuyến khích các bạn trẻ Gen Z ở độ tuổi từ 15 đến 22 trên toàn quốc dũng cảm theo vượt qua rào cản định kiến để theo đuổi đam mê thực sự của bản thân, Báo Hoa Học Trò phối hợp cùng Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia & Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC tổ chức “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời”. Các bạn có thể gửi bài dự thi dưới hai hình thức viết hoặc podcast (audio). Đối với hình thức viết, bài viết cần đảm bảo độ dài tối đa 1200 – 2000 chữ. Đối với hình thức podcast (audio) cần đảm bảo dung lượng tối đa 5 – 7 phút. 

Như nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: “Mỗi người là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”, Ban Tổ chức “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời” tin rằng mỗi một cá thể luôn có một thế mạnh riêng. Điều quan trọng nhất là chúng ta hiểu được thế mạnh đó và dám thể hiện ra ngoài theo quan điểm của mình. Thế hệ trẻ sau này rồi sẽ hiểu được rằng điểm số thực sự chẳng đi theo các em suốt cả cuộc đời, rằng không phải ai học giỏi cũng sẽ thành công và không phải ai thành công đã học giỏi ngay từ đầu. Vậy nên, kỳ thi lớn nhất cuộc đời thực chất chính là kỳ thi để đi tìm cái gọi là “thiên tài” của bản thân mỗi người. 

Trong thế giới ngành Sáng tạo rộng lớn với hàng loạt ngành nghề xu hướng có tiền đề xuất phát từ đam mê, sở thích cá nhân, cảm quan nghệ thuật,… như đạo diễn Trần Đức Viễn, như Kawaii Tuấn Anh và rất nhiều những tên tuổi khác dần dần cùng nhau đổi thay, viết lại định nghĩa về Kỳ thi lớn nhất cuộc đời để trở thành những người làm Sáng tạo hạnh phúc. Vậy còn các em, các bạn thì sao? Đam mê, sở thích của các bạn là gì? Thế mạnh của bạn? Bạn muốn là ai trong tương lai? Mục tiêu lớn nhất của cuộc đời bạn là gì? Tham gia thử thách vượt qua Kỳ thi lớn nhất cuộc đời và chia sẻ tất cả với chúng tôi nhé!

Thông tin chi tiết về cuộc thi, vui lòng xem: TẠI ĐÂY