Khách hàng luôn chú trọng vào mục tiêu kinh doanh nhưng designer thì quan tâm đến thẩm mỹ và chất riêng trong từng tác phẩm. Làm sao để dung hòa được hai thái cực thường xuyên đụng nhau chan chát trong công việc?Hãy đọc bài viết sau để gỡ rối tơ lòng nào các designer.
Khách hàng và nhà thiết kế là mối quan hệ cộng hưởng theo một công thức đơn giản, đó là “đẹp mắt – đắt hàng”. Nắm bắt được điều đó, vào ngày 22/12/2017, Arena Multimedia đã tổ chức workshop: Designer vs Customer – “Hòa nhập” không “Hòa tan” tại 80 Trúc Khê. Đây là dịp để các bạn trẻ có định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này học hỏi được những phương pháp, cách suy nghĩ để khách hàng không còn là nỗi ám ảnh trong công việc nữa.
Designer và Customer luôn là đề tài bất tận đối với bất cứ ai trong nghề thiết kế
Diễn giả của buổi workshop lần này là anh Nguyễn Kim Đính, Giám đốc Công ty Cổ phẩn DIZEN. Đây là doanh nghiệp tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực thiết kế thương hiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như DOJI Group, FPT, HDBank, TPBank, LienvietPostBank,…
Kiến thức và kinh nghiệm là CÁI TÔI giá trị nhất
Tại buổi workshop, anh Kim Đính nhấn mạnh điểm dễ nhận thấy ở các designer là cái tôi cao và cá tính đôi khi quá mạnh mẽ. Nhiều bạn còn luôn đặt suy nghĩ là khách hàng không hiểu thiết kế là gì thì sao mình lại phải nghe họ. Ý kiến đúng và trúng này đã nhận được sự tán đồng của hầu như cả khán phòng. Có lẽ đây chính là điểm yếu cố hữu mà nhà thiết kế nào cũng mắc phải.
Trong thực tế, có lẽ cũng không ít trường hợp mà các designer “chày cối” bảo vệ ý kiến cá nhân của mình khi nhận được phản hồi tiêu cực của khách hàng. Gọi “chày cối” là vì chúng ta đôi khi chưa nghe hết ý kiến của khách đã mất bình tĩnh, sửng cồ lên mà vẫn không trình bày cho họ hiểu được tác phẩm của mình. Vậy phải làm sao mới ổn được đây?
“Mình là designer, mình cần trình bày cho khách hàng phương án nào là tốt và tại sao nó tốt, củng cố quan điểm để họ quyết định chọn. Nếu khách hàng đang thích phương án B thì cần phân tích phương án A có cái hay để họ thấy đây là phù hợp nhất và lựa chọn nó.” – anh Kim Đính chia sẻ.
Anh Nguyễn Kim Đính trao đổi những kinh nghiệm khi làm nghề với các bạn tham dự workshop
Để xử lý khi gặp phải những trường hợp này, anh Kim Đính khuyên các bạn trẻ trước tiên cần xem lại, hiểu rõ đầu bài của đối tác. Rồi từ đó xác định mình bắt đầu từ đâu và mắc sai lầm đoạn nào. Điều này sẽ giúp bạn trả lời được những câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì cho khách hàng? Làm thế nào để dự án thiết kế có thể phục vụ được mục tiêu mà khách hàng đề ra?
Bên cạnh đó, cùng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân, designer hoàn toàn có thể cùng khách hàng lên ý tưởng, xây dựng phác thảo,.. Với việc thường xuyên trao đổi với đối tác, chúng ta có thể “show” những kỹ năng, hiểu biết mà họ chỉ có thể mắt chữ O, miệng chữ A. Nhờ thế, bạn không chỉ nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu mà còn cả ánh nhìn khâm phục từ các “thượng đế” khó tính. Và kết quả là dự án sẽ trôi chảy hơn rất nhiều.
Designer hãy là người định hướng cho khách hàng
Chẳng phải ngẫu nhiên mà đối tác hay căn nhằn, khó tính và thường xuyên yêu cầu chúng ta sửa đi sửa lại đâu. Mọi chuyện đều có lý do của nó cả thôi. Khách hàng luôn phải chịu áp lực về kết quả dự án của họ, đó có thể là uy tín và tiền bạc. Và vì không có kiến thức chuyên môn về thiết kế nên họ không hiểu bạn phải làm gì, như thế nào để hoàn thành công việc?
Anh Đính kể: “Tôi đã từng bị cả hội đồng đối tác phản đối khi sử dụng màu tím làm màu sắc chủ đạo thiết kế logo của ngân hàng họ. Tôi đã thuyết phục họ bằng việc trình bày lí do màu tím mang lại hiệu quả truyền thông như thế nào. Đồng thời nhấn mạnh đây là màu sắc đã được rất nhiều ngân hàng lớn trên thế giới sử dụng nhưng Việt Nam thì chưa nó nên tôi mới lựa chọn. Và kết quả là TPBank có một bộ nhận diện thương hiệu tím khác biệt trên thị trường.”
Tên thương hiệu với chữ TP Bank được thể hiện bằng màu tím khác biệt
Ví dụ trên đã cho thấy một designer giỏi phải chủ động dự đoán những điều mà khách hàng cần phải biết. Đồng thời bạn phải bình tĩnh trình bày, giải thích cho họ hiểu về những vấn đề đó. Khách hàng vẫn luôn là người quyết định cuối cùng rằng sản phẩm sẽ được sử dụng ra thị trường hay không. Bởi vậy, nhiệm vụ thuyết phục, giúp họ hiểu được những gì sẽ mang lại được từ sản phẩm thiết kế là rất quan trọng.
Anh Kim Đính nhấn mạnh để làm được như vậy, nhà thiết kế phải thường xuyên tự đặt những câu hỏi cho bản thân:Những việc mình làm sẽ thể hiện điều gì? Tại sao bản thân lại chọn làm hướng này mà không theo hướng khác? Và sản phẩm này sẽ mang lại được hiệu quả như thế nào?
Đây chính là phương pháp hữu hiệu giúp designer hiểu và nắm bắt được suy nghĩ của khách hàng. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi làm việc với khách hàng. Để có được điều này, chúng ta cũng cần nâng cao một số kỹ năng hơn, nhất là kỹ năng mềm, để truyền đạt được quan điểm, ý kiến với đối tác. Bởi chìa khóa để đáp ứng chính xác những gì mong đợi của khách hàng chính là giúp họ hiểu được cách thức bạn làm việc cũng như làm sao để cả hai làm việc nhóm hiệu quả nhất.
Những ánh mắt chăm chú lắng nghe các câu chuyện của chuyên gia
Xen kẽ với những câu chuyện đầy tính thực tiễn của khách mời là những câu hỏi không kém hóc búa của khán giả. Rất nhiều khúc mắc, băn khăn của các bạn designer trẻ tuổi được đưa ra khiến khán phòng hiếm khi yên tĩnh. Có những câu hỏi làm sao để định giá sản phẩm của mình hay trao đổi với khách hàng như nào khi không thể gặp mặt trực tiếp đều được anh Kim Đính giải đáp tường tận, kèm theo những lời động viên các bạn trẻ cố gắng học hỏi từ từ, đừng vội vàng.
Cuộc trò chuyện gần gũi, thân mật với chuyên gia về thiết kế thương hiệu đã mang tới cái nhìn đa chiều cho các bạn tham dự workshop. Sau khi chương trình kết thúc, các designer trẻ tuổi cho biết đã có cái nhìn toàn diện hơn về mối liên hệ với khách hàng. Với những kinh nghiệm giao tiếp, trình bày với đối tác vừa học hỏi được, các bạn đều cảm thấy tự tin sẽ dung hòa giữa những cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn nghệ sĩ với tâm trạng hụt hẫng khi gặp phải rủi ro trên con đường đầy chông gai tiếp theo.
Hoàng Quy