Với bộ ảnh “Việt” mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, Nguyễn Quang Huy – học viên Arena Multimedia đã xuất sắc giành giải Nhất hạng mục Photo Story tại cuộc thi Let’s On Air 2025. Sáu bức ảnh là sáu lát cắt của tinh thần Việt Nam, được thể hiện bằng góc nhìn của một người trẻ yêu cái đẹp và giàu nội lực sáng tạo. Nhưng đằng sau chiến thắng ấy, điều để lại sâu sắc nhất không nằm ở giải thưởng, mà là hành trình đi tìm tiếng nói cá nhân giữa kho tàng văn hóa truyền thống.
Let’s On Air 2025 là cuộc thi sáng tạo nghệ thuật thuộc khuôn khổ chiến dịch thường niên do Nhóm Truyền thông Sinh viên – S Communications thực hiện. Năm nay, cuộc thi diễn ra từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6, với chủ đề “Hội nguồn” – khơi dậy giá trị văn hóa Việt Nam bằng góc nhìn trẻ trung, hiện đại. Cuộc thi diễn ra với ba hạng mục: Photo Story, Graphic Design và Social Video, thu hút đông đảo người trẻ trong độ tuổi 18–25 tham gia. Không chỉ là sân chơi nghệ thuật, cuộc thi còn là bệ phóng để các bạn trẻ thực hành, xây dựng hồ sơ cá nhân và kết nối chuyên môn. Với tổng giải thưởng hấp dẫn, sự tham gia của các chuyên gia giám khảo, cùng chuỗi sự kiện truyền thông và lễ trao giải công phu, Let’s On Air 2025 tạo nên một không gian sáng tạo chuyên nghiệp và giàu cảm hứng cho cộng đồng sinh viên toàn quốc.
Là học viên theo đuổi Mỹ thuật Đa phương tiện tại Arena Multimedia, Nguyễn Quang Huy vốn đã nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt với văn hóa Việt. Khi biết đến Let’s On Air – một cuộc thi sáng tạo quy mô lớn dành cho sinh viên với chủ đề năm nay là “Hội nguồn”, Huy ngay lập tức nhìn thấy cơ hội để thực hiện một sản phẩm sáng tạo mà bản thân đã ấp ủ từ lâu. Hạng mục Huy lựa chọn là Photo Story. Với niềm đam mê nhiếp ảnh và nền tảng thẩm mỹ tích lũy qua quá trình học tập tại Arena, Huy bắt tay vào hành trình sáng tác bộ ảnh đầu tiên mang đậm dấu ấn cá nhân.
“Việt” – Hành trình kể chuyện bằng sáu bức ảnh
Đi dọc từ Bắc vào Nam theo mảnh đất hình chữ S, “VIỆT” chính là hành trình khám phá và tôn vinh văn hóa Việt Nam qua sáu khía cạnh bất biến gồm: Đất Việt (làng nghề gốm Bát Tràng), Dáng Việt (vẻ đẹp người phụ nữ), Vị Việt (bánh trôi nước), Tâm Việt (lòng hiếu thảo), Nhịp Việt (nghệ thuật tuồng), và Hồn Việt (kết nối Bắc – Nam). Sáu cái tên, sáu lát cắt văn hóa, sáu góc nhìn độc đáo nhưng đồng nhất trong một mạch cảm xúc – niềm tự hào và tình yêu dành cho những điều mang tên Việt Nam.
Bức ảnh đầu tiên – Đất Việt – là lời mở đầu về làng nghề truyền thống, cụ thể là gốm Bát Tràng. Nhân vật chính trong ảnh được hóa thân thành một “tác phẩm sống” nhờ kỹ thuật body painting, với lớp men trắng và họa tiết tre trúc mô phỏng gốm sứ. Để tăng tính ẩn dụ, Huy thậm chí đã cho người mẫu ngâm mình trong nước để tái hiện quá trình tráng men – bước cuối cùng tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho một sản phẩm gốm. Đó không chỉ là hình ảnh của một làng nghề, mà còn là sự kết tinh của công sức, tâm huyết và linh hồn người nghệ nhân.
Mọi câu chuyện khởi nguồn từ đất – mảnh đất nung mình dưới nắng gió, là cội rễ của hồn dân tộc. Trên thớ đất ấy, bàn tay con người khéo léo biến hóa, nhào nặn nên những sản phẩm gốm Bát Tràng – thô mộc mà sống động, điểm xuyết họa tiết cây tre, cây trúc, như hơi thở của thời gian. Đất từ tay cha ông, qua đôi tay đời sau, hóa thành tác phẩm vô ngôn, lưu giữ cả một trời ký ức. Đất không chỉ là nơi ta ở, mà còn là nơi thấm đẫm mồ hôi người lao động, là nền móng cho mọi dáng hình, hương vị, và nhịp điệu tiếp nối.
Tác phẩm Đất Việt (làng nghề gốm Bát Tràng). Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy
Từ đất ấy, con người vươn mình, dựng nên dáng hình dân tộc. Giữa dòng chảy hiện đại, mái tóc tết, ánh mắt sâu thẳm, và nước da vàng của người con gái Việt như níu giữ thời gian. Dáng hình ấy, sinh ra từ đất, mang vẻ đẹp thanh thoát, bản lĩnh âm thầm, tựa đóa lan vàng rực rỡ giữa rừng sâu. Truyền thống và hiện đại đan xen, dẫn lối đến những hương vị quê nhà đậm đà, nơi ký ức tuổi thơ được vun đắp.
Tác phẩm Dáng Việt (vẻ đẹp người phụ nữ). Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy
Con người từ đất vươn lên, mang theo những ký ức quê nhà, nơi vị ngon được chắt lọc. Không cần sơn hào hải vị, chỉ một viên bánh trôi nước – bé nhỏ, trắng ngần, tròn trịa – đã ôm trọn cả trời tuổi thơ. Với bàn tay chăm chút từng bữa ăn, gian bếp nhỏ trở thành trái tim của gia đình, nơi tiếng cười rộn rã vang vọng qua câu chuyện của bà, của mẹ. Vị Việt không chỉ lay động đầu lưỡi, mà thấm sâu vào tâm hồn, là sợi chỉ đỏ kết nối những mảnh đất và bóng hình, đến những rung động sâu kín.
Tác phẩm Vị Việt (ẩm thực – bánh trôi nước). Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy
Dưới ánh trăng bên hồ sen, tà áo dài trắng nhẹ bay cạnh chiếc nón lá mộc mạc, như một khoảng lặng dịu dàng trong tâm khảm. Tâm Việt là lời nguyện cầu thiêng liêng gửi qua đóa sen tinh khôi, kết nối cõi tạm và cõi vĩnh hằng, là niềm tin vào sự hiện hữu của những người đã khuất trong ký ức người ở lại. Vu Lan – mùa của lòng hiếu thảo và biết ơn – là lúc người Việt trở về với cội nguồn, hòa cùng hơi thở đất mẹ. Nơi ấy, cội rễ văn hóa đong đầy yêu thương, bền bỉ tựa dòng sông nuôi dưỡng tâm hồn, dẫn dắt ta hòa quyện vào những nhịp điệu sống động của truyền thống, từ tiếng kinh cầu an đến những câu ca dao vang vọng, mãi lưu truyền qua bao thế hệ.
Tác phẩm Tâm Việt (tấm lòng hiếu thảo). Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy
Nhịp Việt là hình ảnh mang tính chuyển động mạnh mẽ về nghệ thuật trình diễn truyền thống – hát bội. Nhân vật trong ảnh được hóa thân thành nữ tướng Đào Tam Xuân – biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất. Huy sử dụng kỹ thuật phơi sáng dài để ghi lại chuyển động, giúp người xem cảm nhận được “nhịp” trình diễn sống động ngay trong một bức hình tĩnh.
Huy chia sẻ về ý nghĩa của bức ảnh Nhịp Việt: “Lời nguyện ấy khơi dậy một nhịp đập mạnh mẽ hơn, khi tiếng trống cất lên như tiếng gọi từ sâu thẳm cội nguồn. Từng giai điệu trỗi dậy – sống động, da diết, bùng cháy. Trong điệu múa hát bội cổ truyền, ta nghe vang vọng chiều sâu lịch sử; trong từng động tác uyển chuyển, ta thấy bóng dáng anh hùng, những truyền thuyết xưa sống lại. Nghệ thuật biểu diễn không chỉ kể chuyện, mà còn bảo tồn, trao truyền, như nhịp thở tổ tiên vẫn đập rộn ràng trong lòng dân tộc.”
Tác phẩm Nhịp Việt (nghệ thuật hát bội). Nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy
Cuối cùng, Hồn Việt là dấu chấm kết lại cảm xúc cho cả bộ ảnh. Hai người mẫu sinh đôi đại diện cho hai vùng miền Bắc – Nam, với phong cách trang điểm đặc trưng của phụ nữ Hà Nội và Sài Gòn, cùng đứng trong một khung hình. Sự đối lập về tạo hình lại tạo nên một tổng thể thống nhất, như lời khẳng định về sự gắn bó bền chặt của dân tộc Việt – dù khác biệt vùng miền, tất cả vẫn chung một cội nguồn.
Tất cả quy tụ trong hai chữ: Hồn Việt – là sự kết nối Bắc – Nam, nơi mái tóc đuôi sam mộc mạc của miền Bắc hòa quyện cùng phong cách Sài Gòn xưa với mái tóc uốn lượn và lối trang điểm đậm chất hoài cổ. Hồn Việt là sợi chỉ vô hình kết nối hai miền đất nước, đan xen những nét văn hóa độc đáo thành một hơi thở chung. Từ đất nung gốm, qua dáng người thanh thoát, vị bánh trôi ngọt ngào, tấm lòng hiếu thảo, đến nhịp trống hát bội, tất cả hòa quyện lại với nhau, thấm đẫm tình yêu thương và tự hào dân tộc. Hồn Việt là niềm tự hào khi ta đứng giữa thế giới và nói: “Tôi là người Việt Nam.”
“Việt” không chỉ là tên gọi, mà là mạch máu chảy qua từng thế hệ. Sáu khoảnh khắc này là hành trình tôi lắng nghe Việt Nam kể chuyện – nơi truyền thống và hiện đại đan xen, để tự hào mang trong mình một linh hồn VIỆT.
Giải thưởng là món quà, nhưng điều quý giá hơn là hành trình trưởng thành
Khi được hỏi về cảm xúc sau chiến thắng, Huy không nói nhiều về niềm vui đoạt giải. Thay vào đó, Huy chia sẻ về những gì mình học được trong quá trình tham gia. “Thật ra thì em luôn chuẩn bị tâm lý là có thể mình sẽ không thắng, nhưng việc hoàn thành một sản phẩm mà mình tin tưởng đã là một phần thưởng tinh thần lớn rồi”. Huy chia sẻ thêm: “Bộ ảnh này là một phần trong hồ sơ cá nhân, là ‘di sản’ để em mang theo khi trưởng thành. Quan trọng nhất là mình đã thực sự đặt tâm huyết và tình yêu vào nó.”
Quá trình thực hiện dự án cũng là lúc Huy nhận ra sự trưởng thành rõ rệt trong tư duy sáng tạo. Những bài học từ Arena Multimedia không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật mà còn mở ra cho bạn tư duy thiết kế, cách kể chuyện bằng hình ảnh, và đặc biệt là sự khuyến khích tìm tòi vượt khỏi khuôn khổ lớp học. “Thầy cô ở Arena không chỉ dạy mà còn truyền cảm hứng rất nhiều, luôn đồng hành trong mỗi ý tưởng sáng tạo”, Huy chia sẻ.
Cuộc thi khép lại, nhưng hành trình của Nguyễn Quang Huy vẫn sẽ tiếp tục. Sau cột mốc vinh quang ấy là những ngày tiếp tục thử – sai – học – làm, là niềm tin rằng mỗi sản phẩm mình tạo ra đều mang theo một câu chuyện, một cá tính riêng biệt. Và có lẽ, chính hành trình dấn thân đó mới là phần thưởng lớn nhất cho bất kỳ người trẻ nào chọn bước vào hành trình sáng tạo. Vì chỉ khi bước ra khỏi vùng an toàn, ta mới có thể thật sự lắng nghe tiếng nói của mình – và để nó vang lên mạnh mẽ, đầy bản sắc như cách “Việt” đã làm được. “Hãy gạt chuyện thắng thua sang một bên. Điều đáng giá nhất là mình được trải nghiệm, được làm ra một sản phẩm chỉn chu, có thể tự tin chia sẻ với mọi người. Đó là món quà lớn nhất dành cho bất kỳ ai đang làm sáng tạo.”
Diễm Quỳnh
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất nhé:
TP.HCM
Email: arena@aprotrain.com
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Quận 6
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: arena2@aprotrain.com
* ARENA Đống Đa
41 Vũ Ngọc Phan, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Cầu Giấy
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Hà Đông
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542