Vai trò của công nhân thiết kế

Trong buổi lễ tốt nghiệp của Arena Multimedia, vị đại diện tuyển dụng đến từ một công ty phát hành Game đã đặt ra câu hỏi đặc biệt với các tân khoa ngành Mỹ thuật Đa phương tiện: “Sẽ ra sao nếu thế giới thiếu vắng đội ngũ thợ-thiết-kế?”. Điều không tưởng ấy bỗng chốc trở thành đề tài bàn luận sôi nổi cho tất cả mọi người, để một lần nữa, chúng ta có dịp nhìn lại vai trò “công nhân thiết kế” giữa thời đại “bình thường mới”. 

Vì thế, bài viết này xin dành tặng cho những ai đã, đang và sẽ dấn thân vào hành trình khám phá ngành Sáng tạo trên cương vị đó. Nếu có điều gì mà chúng ta, nhất là các bạn trẻ vẫn kiếm tìm giá trị bản thân nên ghi nhớ, thì chính là tinh thần kiên định xuyên suốt hành trình theo đuổi mục đích sống cho mình. Bằng tất cả sự cởi mở và cầu thị của thế hệ tiên phong, hãy cùng Arena Multimedia tái định hình vai trò “công nhân thiết kế” thời hiện đại –  lực lượng không thể thay thế trong ngành công nghiệp sáng tạo ngày nay.

Nằm trong xu hướng đào tạo các lĩnh vực vận dụng tiến bộ công nghệ nói chung, Mỹ thuật Đa phương tiện là một trong những lựa chọn hàng đầu của giới trẻ khi tìm kiếm con đường học tập tối ưu, rút ngắn thời gian trên hành trình trở thành “người thợ giỏi”. Với yêu cầu phải liên tục thực hành và không ngừng cập nhật kiến thức mới, lĩnh vực này trao cơ hội cho học viên khẳng định bản thân ở ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, đối mặt với quan điểm cố hữu “Học làm thầy vẫn hơn làm thợ”, rất nhiều bạn trẻ đang bị cản bước đam mê bởi những rào cản vô hình đến từ lối suy nghĩ một chiều ấy. 

Khái niệm “Thầy – Thợ” tại Việt Nam bao năm qua vẫn luôn là nút thắt khó cởi bỏ trong cách nhìn nhận và lựa chọn ngành nghề. Nhưng có phải, tất cả mọi lĩnh vực đều gắn liền với hai danh từ chỉ địa vị ấy? Câu trả lời là không, với Mỹ thuật Đa phương tiện lại càng không! Mỹ thuật Đa phương tiện là nhóm ngành đặc thù trong thế giới Sáng tạo, nơi khái niệm thầy và thợ không cần tách bạch rõ ràng như những lĩnh vực khác. Bởi chung quy lại, bất kỳ ai bước vào ngành công nghiệp sáng tạo đều là một công nhân thiết kế, mỗi người đều đóng góp vai trò tích cực cho sự phát triển của nền tảng công nghệ – giải trí – kỹ thuật số. Vận dụng kiến thức và tư duy sáng tạo, những công nhân thiết kế dần nâng cấp kỹ năng và chinh phục các thành tựu mới trong sự nghiệp. 

Soi chiếu kinh nghiệm thành công từ nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nếu các điều kiện khác không thay đổi, thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người sở hữu tay nghề cao chính là bộ phận đóng góp vai trò đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh vượt trội. Cởi bỏ quan điểm một chiều về chuyện “trọng thầy khinh thợ”, thế hệ trẻ cần thấm thía một sự thật rằng: Làm thầy hay làm thợ tùy thuộc vào năng lực và niềm đam mê của bản thân. Nhưng trước khi muốn làm thầy, hãy nghiêm túc với vai trò của một người thợ! Một người thầy giỏi chắc chắn đã từng là một người thợ xuất sắc, có tay nghề cao.

Về cơ bản, vai trò của mỗi Multimedia Designer trong hệ sinh thái ngành sáng tạo đều là một người thợ. Bởi không ai ngay lập tức trở thành chuyên gia khi vừa mới chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường. Bạn đã bao giờ hình dung được lộ trình phát triển của Art Director sẽ như thế nào chưa? Những nhà thiết kế đình đám hiện tại bạn nhìn thấy, đã trải qua một quá trình rèn luyện bền bỉ, từ Junior Graphic Design – Graphic Designer – Senior Graphic Designer – Studio Manager rồi mới chạm đến vị trí Art Director. Quay trở lại câu chuyện của các công nhân thiết kế thời đại mới, họ đang nắm giữ vai trò gì trong ngành công nghiệp sáng tạo hay chỉ là những người thợ chỉ biết kéo sáng và chỉnh ảnh?

Thập niên 2020 bắt đầu bằng những nỗi sợ gắn liền với Covid-19. Cuộc sống yên bình bỗng chốc xoay chuyển 180 độ theo một kịch bản chẳng ai ngờ tới, với diễn biến ngày càng tồi tệ hơn. Trong chuỗi ngày buộc phải “lockdown”, chúng ta mới thấm thía rằng không có điều gì là bất biến. Theo Báo cáo triển vọng việc làm & xã hội Châu Á Thái Bình Dương 2020, đại dịch khiến 81 triệu người mất việc làm trên toàn khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,4% (2019) lên 5,7% (2020). Người trẻ vừa mới định hình được con đường tương lai đã phải lao vào một “cuộc đua” trang bị kỹ năng hòng thích ứng với cơn bão dịch bệnh. 

Ở những ngày tìm kiếm cơ hội mới, chúng ta chợt nhận ra, dẫu nhân loại có trải qua thêm bao nhiêu biến thiên đi chăng nữa thì công nghệ vẫn sẽ là nền tảng trong hầu hết mọi hoạt động con người. Cục diện nghề nghiệp chứng kiến sự đoạt ngôi của các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, lập trình… và thật thiếu sót nếu không nhắc tới Multimedia Design (Mỹ thuật Đa phương tiện) – nhóm ngành nghề đang “thừa thắng xông lên” trong thị trường truyền thông – giải trí – kỹ thuật số. Dạo một vòng những trang tin tuyển dụng, chẳng khó để nhìn thấy vô số bài đăng tìm kiếm Graphic Designer, Web Animator, Video Editor, VFX Artist, UX/UI Designer… với mức lương lý tưởng bất chấp thế sự nhiễu nhương. Người ta tự hỏi, rốt cuộc đứng sau các danh xưng ấy – họ là ai? Điều gì lại khiến họ được săn đón trong bối cảnh này đến vậy? 

Xin thưa, họ chính là các “công nhân thiết kế” – đội ngũ những người làm nghề tinh nhuệ của ngành Sáng tạo. Dấu ấn họ trải dài trên khắp các mặt trận từ Graphic Design, Digital Design, Filmmaking, đến 3D Game, 3D Animation… Chúng ta gặp họ hằng ngày, qua vô số poster, banner quảng cáo, qua nhiều website sở hữu giao diện bắt mắt hay các bộ phim có kỹ xảo điện ảnh sống động. Phần lớn họ thuộc Gen Z, được xem là những người trẻ dám nghĩ, dám làm, biết tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để trở thành thế hệ tiên phong. Hơn tất cả, họ ý thức sâu sắc mục đích sống và không ngừng quăng mình vào các “địa hạt” mới nhằm tìm đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai”. 

Mang theo kỹ năng “thực chiến”, họ dần bứt ra khỏi cơn khủng hoảng việc làm để tham gia vào cuộc chơi mới thử thách hơn. Đặng Hồng Minh, Graphic Designer mảng Game của công ty Hivelab chia sẻ: “Hiện mình đang làm trong một doanh nghiệp Hàn quốc liên quan đến truyền thông số và mảng game điện tử. Vậy nên, may mắn là dịch bệnh không có tác động tiêu cực tới tổng quan. Mặc dù phải work from home,  nhưng về cơ bản thiết kế là ngành có thể giải quyết công việc online. Tất nhiên cũng cần nhiều sự điều chỉnh phù hợp, nhưng đó chẳng phải vấn đề to tát. Ngược lại, mình nghĩ Covid-19 là cơ hội lớn, khi các doanh nghiệp cắt bớt nhân sự cứng cũng là dịp giúp Designer tìm được khá nhiều công việc freelance hấp dẫn.” 

Hay như Đỗ Thanh Sang – UX/UI Designer tại Seal Commerce Asia đang say sưa với các dự án phát triển Web nói: “Lockdown khiến người người online, nhà nhà online. Điều đó buộc đội ngũ những người thiết kế giao diện/trải nghiệm app phải không ngừng nỗ lực để mang đến nhiều sản phẩm chất lượng.  Vậy nên, nếu hỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất mình đang trải qua là gì, thì đó không phải thất nghiệp, giảm lương mà là làm sao để hoàn thành công việc đúng tiến độ, khiến khách hàng cảm thấy hài lòng nhất.”

Đến đây, chúng tôi xin tạm kết về vai trò công nhân thiết kế giữa bối cảnh của đại dịch Covid-19. Bởi ít hay nhiều, ắt hẳn bạn cũng đã có những hình dung cụ thể hơn về sứ mệnh mà đội ngũ này đảm đương. Mỗi sản phẩm giải trí, truyền thông, quảng cáo bạn nhìn thấy ngoài kia, dù chỉ vài giây ngắn ngủi cũng là thành quả lao động không ngừng nghỉ của một  thế hệ yêu sáng tạo. Chỉ cần xã hội còn phát triển, thẩm mỹ còn nâng cao, thì họ sẽ còn tiếp tục phụng sự vì cái đẹp. 

Có một thời, Multimedia Design (Mỹ thuật Đa phương tiện) bị gắn mác là ngành học “xu hướng”, một “xu hướng” sớm nổi thì cũng chóng tàn, còn lũ trẻ theo đuổi nó lại bị mang tiếng “chỉ biết cắm đầu vào máy tính”. Vậy mà giờ đây, khi công nghệ tạo ra những cú hích làm thay đổi cơ cấu việc làm, người ta mới đột ngột vỡ ra, “tụi trẻ lông bông” ngày nào giờ “có giá” biết bao! Chỉ trong một thập niên ngắn ngủi kể từ thời điểm Internet bùng nổ, hàng tá công việc bỗng trở nên lỗi thời.

Những người trẻ Gen Z họ có khờ dại (như cái nhìn từ bên ngoài của nhiều người, trong đó có phụ huynh) nhắm mắt đi theo tiếng gọi đam mê không? Không đâu! Những công việc này mang lại cho họ niềm cảm hứng cao độ, và thu nhập tốt cho đến rất tốt. Nó cho phép họ được trải nghiệm, được cống hiến, được thử thách liên tục với những nấc thang nghề nghiệp mới. Nghề nghiệp này có sự cạnh tranh và đào thải, tất nhiên rồi. Nhưng thử hỏi có nghề nghiệp nào mà lại không có sự cạnh tranh? Nếu một nghề nào đó không có sự cạnh tranh, có lẽ nó đang dần dần lụi tàn và sắp biến mất, nhường chỗ cho những ngành nghề mới sẽ lên ngôi. 

Bối cảnh mới, tư tưởng mới, đã đến lúc viết lại định nghĩa về công nhân thiết kế! 

Họ – Không phải là những người thợ quen tay chỉ biết làm theo một vài kiểu mẫu cho sẵn, cũng không rập khuôn trong các nếp nghĩ lỗi thời. “Công nhân thiết kế” là một đội ngũ lao động trí óc thực thụ không thể thiếu của ngành công nghiệp sáng tạo. Họ trẻ, năng động, đầy ý tưởng và luôn hết mình với những phát kiến mới mẻ. Sống giữa một thời đại liên tục biến động, họ có sức chịu đựng phi thường trước áp lực công việc, để mỗi sản phẩm trình làng công chúng đều mang những giá trị lâu dài bền vững. 

Thế nhưng, kể cả khi đã gia nhập vào đội ngũ Multimedia Designer, chúng ta vẫn phải đối diện với hàng tá thách thức mà lĩnh vực này đặt ra. Làm sao khiến khách hàng hài lòng? Con đường nào để định hình phong cách cá nhân? Lựa chọn thái độ ra sao giữa dòng chảy nghề nghiệp đầy biến động? Hãy sáng tạo không ngừng để chẳng ai có thể thay thế được bạn. Hãy học thêm các kỹ năng nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập. Hãy buông bỏ những suy nghĩ cũ, mạnh dạn dấn thân và trải nghiệm các cơ hội lớn của lĩnh vực Sáng tạo. 

Theo VietnamSalary – Cổng thông tin cung cấp mức lương tham khảo, lương trung bình của một nhân sự thiết kế đồ họa, dựa trên kết quả tổng hợp từ 331 mẫu việc làm cho vị trí này tại CareerBuilder tương đối cao so với ngành nghề khác – khoảng 11 triệu đồng/tháng. Nhưng người trong nghề biết rằng thu nhập của Designer có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau và có thể cao hơn nhiều so với số thống kê. “Tôi có cả quá trình quan sát một bạn học viên Arena trong suốt thời gian hơn 2 năm, xem tất cả 5 đồ án của bạn ấy, biết bạn ấy kiếm việc làm trong khi học ở đâu. Ước tính thu nhập của bạn từ công việc freelance design trong thời gian học ở Arena không dưới 300 triệu VNĐ” – Anh Đinh Trí Dũng, Brand Manager của Arena Multimedia tâm sự. Chẳng phải, con đường sự nghiệp của một Multimedia Designer đang quá rộng mở với nhiều dự báo và con số tích cực hay sao? Dĩ nhiên, chỉ khi bạn dấn thân và thực sự cống hiến, bạn mới đạt được các thành tựu cho riêng mình. Còn hiện tại, có một điều mà chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn, rằng trong nhận thức của đại đa số mọi người, khái niệm về công nhân thiết kế đã được viết lại. 

Chúng ta đi tìm dáng hình công nhân thiết kế và viết lại định nghĩa về họ. Nhưng vẫn còn một câu hỏi khác cần tìm đáp số: Rằng đâu là mô hình phù hợp đào tạo ra những công nhân thiết kế cấp tiến?

Đầu tiên, phải khẳng định lại thêm lần nữa, ý nghĩa của mỗi mô hình đào tạo vốn dĩ khác nhau. Học Đại học khác học nghề, vậy mà chúng ta chọn Đại học trong tâm thế chỉ muốn nhanh chóng có một cái nghề! Nếu Đại học dành cho những ai mong muốn nghiên cứu chuyên sâu, với một nền tảng kiến thức đại cương vững chãi, thì các trường đào tạo nghề lại giúp học viên va chạm thực tế nhằm rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm chỉ trong thời gian ngắn. Đã đến lúc, nếu không muốn nói là quá muộn, cần cởi bỏ quan điểm lỗi thời rằng học nghề thua kém Đại học, vì chúng ta đang quá cần và quá thiếu những người yêu nghề, hiểu nghề và giỏi nghề.

Giữa vô vàn sự lựa chọn, họ tìm thấy Arena Multimedia và xem đây như bệ phóng vững chắc để tiến vào ngành công nghiệp sáng tạo. Người ta thắc mắc, điều gì lại khiến phụ huynh lẫn học viên tin tưởng vào mô hình đào tạo ở nơi đây đến thế? 

Cách thức xây dựng chương trình giảng dạy: Chương trình giảng dạy là một trong những chìa khóa giúp Arena Multimedia gặt hái được các thành tựu tuyệt vời. Xây dựng bốn học kỳ theo cấu trúc vững chãi như một kim tự tháp với những điểm thú vị sau: 

– Thứ nhất, học kỳ 1 (Graphic Design) được xem như nền móng kiên cố, tạo tiền đề vững chắc cho ba kỳ học tiếp theo, giúp học viên tiết kiệm được thời gian và tập trung cao độ để rèn luyện kỹ năng thông qua các tiết thực hành. 

– Thứ 2, mô hình học tập này cũng tạo đầu ra ngay cho học viên ngay sau khi hoàn thành các kỳ học nhất định. Mỗi học kỳ cung cấp một kỹ năng mà theo đó, học viên có thể sử dụng để làm việc và tạo nguồn thu nhập. Không những vậy, sau khi hoàn thành chương trình, người học sẽ biết cách kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng thiết yếu để phục vụ mọi yêu cầu đến từ khách hàng. Đó là lý do chúng tôi gọi đây là chương trình Đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện – Chương trình giúp người học sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường trong các lĩnh vực: Truyền thông & Quảng cáo, Sản xuất nội dung kỹ thuật số. 

Phương pháp giảng dạy: Tại đây, mỗi một bạn học viên được khuyến khích nói lên ý tưởng, thể hiện chất riêng và mạnh dạn trao đổi với giảng viên để đưa ra những phát kiến mới lạ. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó và làm việc cùng những thế hệ bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực Multimedia Design, đội ngũ giảng viên luôn tâm niệm bất kỳ học viên nào cũng đều sở hữu một thế mạnh cần được phát hiện và rèn giũa. Đó là lý do chúng tôi không ngừng tạo ra các thử thách trong quá trình thực hiện và bảo vệ đồ án bốn kỳ – Nơi các bạn phải học cách làm việc nhóm, học cách dung hòa cái tôi và tìm ra kỹ năng nổi bật bản thân đang sở hữu. 

Hình thức học phù hợp với mọi đối tượng: Học viên của Arena đến từ những ngã rẽ khác nhau, theo đó, 35% là sinh viên của các trường đại học, 35% học sinh THPT sau khi tốt nghiệp cấp ba nhập học trực tiếp, 30% còn lại là người đã đi làm. Những con số trên là minh chứng cho một môi trường đa văn hóa, nơi quy tụ những hạt giống tài năng có xuất phát điểm khác nhau nhưng cùng chung chí hướng, và Arena là nơi phải đến để Cảm, để Vui và để Yêu.

Với triết lý đào tạo ra những Multimedia Designer cấp tiến, Thạc sỹ Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo của Arena Multimedia chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm, để trở thành người thiết kế có chỗ đứng trong thị trường và phát triển bền vững thì cần có ba yếu tố:

  1. Kiến thức chuyên môn (gu thẩm mỹ, khả năng cảm thụ cái đẹp, các nguyên lý thiết kế,…).
  2. Kỹ năng sử dụng phần mềm.
  3. Tri thức. Đó là nền tảng hiểu biết chung về văn hóa, lịch sử, xã hội, hiểu biết về marketing và hành vi con người. 

Bởi nếu chỉ dừng lại ở kiến thức chuyên môn và kỹ năng sử dụng phần mềm thì bạn sẽ mãi là người thợ bình thường, nhưng khi sở hữu tri thức, bạn sẽ có thẩm mỹ, có cả sự nghiên cứu để trở thành nhà thiết kế có vị trí nhất định và tầm ảnh hưởng. Đối với tôi, việc học viên xác định rõ ràng mục tiêu và ý thức được tầm quan trọng của việc bổ sung tri thức là cực kỳ đáng khích lệ. Dựa vào đó, khả năng nhận thức vấn đề thuộc khuôn khổ mỹ thuật ứng dụng, hay vai trò ứng dụng ngành Mỹ thuật Đa phương tiện trong đời sống xã hội sẽ đúng đắn hơn.” 

Ngành công nghiệp Sáng tạo, Truyền thông và Giải trí vẫn đang rộng cửa chào đón các bạn trẻ yêu sáng tạo gia nhập vào dòng chảy bất tận. Sẽ đến một ngày, bạn không chỉ hòa vào dòng chảy, mà sẽ trở thành chính dòng chảy ấy, đó là lúc bạn nhận ra kể cả khi chúng ta chỉ là một mắt xích bé nhỏ trong hệ sinh thái Sáng tạo, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự hào với cương vị ấy

Chúng ta chỉ có một cuộc đời hữu hạn. Không gì tốt hơn là tập trung vào bản thân, thấu suốt nó, và vận hành cuộc sống theo luật chơi của chính mình. Đáp lại cho câu hỏi “Sẽ ra sao nếu thế giới thiếu vắng đội ngũ thợ thiết kế?” – Vị đại diện tuyển dụng đến từ công ty phát hành Game đã trả lời các tân khoa Multimedia Design rằng: Cuộc sống vẫn sẽ vận hành thôi, nhưng chắc chắn rất tẻ nhạt và buồn chán. Hy vọng các bạn sau khi bước chân vào ngành Sáng tạo, sẽ cảm thấy hạnh phúc ở cương vị của một người “công nhân thiết kế”. Bởi những người làm nghề, ai cũng bắt đầu từ vai trò của một người thợ nên chúng ta không cần phải bước lên tuyên bố tôi sẽ làm gì to tát. Trong một thế giới cố khiến bạn trở thành ai đó khác, thì chỉ cần luôn là chính mình mới là thành tựu vĩ đại nhất. Chúc bạn thành công!