Là sự kiện kết hợp giữa Arena Multimedia và doanh nghiệp đối tác Phan Thị, buổi Workshop với chủ đề “Phát triển concept nhân vật Game” đã diễn ra trong không khí vô cùng háo hức vào ngày 26/12 vừa qua tại Arena Tân Bình.
Chương trình có sự tham gia của khách mời Thiện Chunli – Founder Chunli Studio. Anh là cái tên không chỉ nổi bật bởi số năm kinh nghiệm làm việc mà còn là một trong số hiếm hoi Artist Việt Nam chinh phục thành công thị trường Concept Art toàn cầu. Đến với không gian chia sẻ, anh không ngần ngại bày tỏ góc nhìn thực tế của bản thân về thị trường nhân sự lĩnh vực thiết kế game tại Việt Nam, cũng như đưa ra nhiều bí kíp, lời khuyên hữu ích trên hành trình phát triển kỹ năng và chinh phục nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ.
Bây giờ, hãy cùng Arena Multimedia điểm lại một số kiến thức đáng chú ý được anh Thiện đem đến cho cộng đồng Arenaites nhé!
Concept Character Artist là ai?
Concept Character Artist hay Họa sĩ thiết kế concept nhân vật được biết đến là người tham gia trực tiếp vào quy trình tạo ra những nhân vật sống động trong các trò chơi điện tử. Nhiệm vụ chính của họ là sáng tạo ra hình ảnh nhân vật game dựa trên ý tưởng đến từ Game Designer hoặc Đạo diễn. Theo đó, Concept Character Artist phải thể hiện được các đặc điểm của nhân vật như ngoại hình, tính cách, bối cảnh xuất hiện, v.v.
Quy trình phát triển concept nhân vật game
Để cho ra đời một nhân vật game hoàn chỉnh, phải cần đến sự phối hợp của nhiều cá nhân liên quan. Thông thường, quy trình phát triển concept character cho một tựa game sẽ trải qua 3 giai đoạn:
- Thu thập thông tin về nhân vật như ý tưởng, bối cảnh, v.v.
Ở giai đoạn đầu tiên, “những ý tưởng, bối cảnh về nhân vật thường do Game Designer cung cấp đến Artist. Sau đó, Artist sẽ phác thảo ý tưởng, nếu nhận được sự phê duyệt thì bắt đầu tiến hành các giai đoạn phía sau như lên chi tiết, màu sắc, animation, v.v. Điều này có nghĩa rằng phiên bản cuối cùng của nhân vật không phải chỉ do Concept Character Artist làm ra mà mình phải liên tục kiểm tra cùng Game Designer, Product Owner, Art Director, những người này đóng vai trò định hướng nhân vật sẽ trông như thế nào. Trên thực tế, rất nhiều Artist bị mắc kẹt lại với quy trình này, bởi lẽ đây là lúc mà tranh vẽ của họ bị đánh giá từ quá nhiều người.” – Chia sẻ từ anh Thiện Chunli, chuyên gia sở hữu hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế game.
- Phác thảo ý tưởng với nhiều phiên bản đa dạng
Đây là giai đoạn quan trọng, là lúc mà các Artist thể hiện được nhiều góc nhìn khác biệt về nhân vật, cho sự đa chiều và màu sắc cá nhân trong phong cách sáng tạo. Anh Thiện nói thêm về điều này: “Chúng ta chỉ nhận được 1 mô tả cho 1 nhân vật, do đó mình phải làm nhiều bản phác thảo khác nhau, tức là cần nhìn nhận nhân vật game dưới đa dạng góc độ. Ví dụ bản brief chỉ yêu cầu cô gái đang đứng nhưng bản thân Artist chúng ta cần xem xét cô gái này từ các yếu tố khác biệt như cô già hay trẻ, giàu hay nghèo, hiền hay ác, nhân vật dần dần biến đổi theo từng chi tiết, yếu tố cảm xúc như thế. Đồng thời, người đưa ra yêu cầu sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn cũng như Artist chắc chắn sẽ nhận về nhiều đánh giá tích cực hơn so với cách nhìn nhận một chiều thông thường.”
- Hoàn thiện concept nhân vật
Công đoạn chỉnh sửa là một trong những khâu hao tốn thời gian nhất của các Artist trong tổng thể quy trình sản xuất. “Ban đầu vẽ vẫn ổn nhưng đến lúc chỉnh sửa thì cần rất nhiều thời gian. Giai đoạn này phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là kỹ năng của Artist (vẽ tốt hay không); thứ hai là mức độ thấu hiểu khách hàng. Khi làm việc với khách hàng lần đầu tiên, hầu hết các bạn sẽ chưa quen và làm sai nhiều, nhưng những lần sau đấy các bạn dần hiểu ý, biết được rằng họ yêu thích phong cách nào, định hướng như thế nào sẽ phù hợp.”
Bộ sưu tập kỹ năng của Concept Character Artist
Concept Character Artist có điểm khởi đầu dường như khá tương đầu với nhiều vị trí công việc khác trong lĩnh vực thiết kế game. Bộ 3 kỹ năng cơ bản mà cần trang bị để theo đuổi con đường này bao gồm: kỹ năng vẽ cơ bản (dựng hình, tô màu, v.v); kỹ năng tư duy sáng tạo (suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề); kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp với các bộ phận khác trong quá trình phát triển game.
Bên cạnh những năng lực vừa kể trên, để trở thành Concept Character Artist xuất sắc cũng như có chỗ đứng trong ngành, anh Thiện Chunli nhắc nhở các bạn trẻ cần rèn luyện thói quen lưu lại quy trình làm việc, cụ thể: “Điều này sẽ giống như một “behind the scene” giúp bạn có thể học hỏi từng bước của quy trình làm việc hoặc ít nhất là biết mình đã đúng hoặc sai ở đâu để từ đó có thể cải thiện cho những lần làm việc tiếp theo. Đặc biệt, kỹ năng này còn hỗ trợ bạn tránh cách làm việc liên tục từ đầu đến cuối nhưng mãi không biết “tracking” ở đâu để biết bản thân đúng chỗ nào, sai chỗ nào.”
Ngành Thiết kế Game tại Việt Nam – Tương lai tuy khó khăn nhưng vẫn đầy triển vọng
Không đưa ra bức tranh toàn màu hồng về lĩnh vực này tại thị trường trong nước, bằng kinh nghiệm của hơn chục năm chinh chiến với nghề, anh Thiện Chunli đã đưa ra góc nhìn thực tế về sự phát triển của công việc này ở Việt Nam. “Thành thật mà nói, các studio game tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua lay-off rất kinh khủng. Anh làm việc ở cái ngành này tới nay đã 15 năm mà anh chưa bao giờ cảm thấy đau lòng đến như vậy. Đây là hệ lụy sau mùa dịch Covid-19 nhưng một phần cũng do tiền điện tử mất giá khiến các nhà đầu tư ngại xuống tay cho những dự án lớn. Tuy nhiên, tháng 12 vừa rồi, anh cũng nhận được thông tin thị trường đã có xu hướng tích cực, các studio tại Sài Gòn đã bắt đầu tuyển dụng trở lại.”
Riêng với vị trí Concept Character Artist, anh dành lời khuyên đến các bạn trẻ: “Môi trường tuyển dụng họa sĩ game 2 năm qua đã gia tăng rất nhanh chóng, người tham gia làm 2D, 3D và Visual cực kỳ đông. Nếu bạn xác định chuẩn bị mình sẽ theo ngành thì nên chuẩn bị ngay từ bây giờ, từ việc tập vẽ, tham gia các diễn đàn, hội nhóm hoặc workshop. Mặc dù hiện tại có rất nhiều nguồn thông tin nhưng cơ hội để tiếp xúc với người làm chuyên môn thì hơi khó. Ngoài ra, họa sĩ Việt Nam làm freelancer trên các cộng đồng như Fiverr, ArtStation cũng rất nhiều. Ở những nơi này thì portfolio rất quan trọng, các bạn phần đông là sinh viên nên có thể sưu tầm các dự án trên trường, bài tập từ thầy/cô hoặc cố gắng tham gia những cuộc thi, thực hiện dự án cá nhân. Tất cả chúng đều là một phần của portfolio.”
Mỗi hành trình đều có những khó khăn của riêng nó, lĩnh vực concept character cũng “không dễ dàng” nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều sự hỗ trợ xung quanh như các chuyên gia sở hữu nhiều năm kinh nghiệm, các công cụ, phần mềm, v.v. “Vì vậy, mình cần phải nắm bắt để hy vọng tìm thấy chỗ đứng trong nghề ở tương lai. Anh hiểu tuổi trẻ nhiệt huyết nhưng đi kèm theo đấy là những nỗi lo lắng vô hình như “mình có năng khiếu hay không?”, “học xong rồi thì có cơ hội nào hay không?”, v.v. Đây là những câu hỏi mà ở độ tuổi 20-21-22 anh cũng tương tự các bạn, cứ đứng ở giữa ngã ba đường hoang mang. Đó là ngã ba rất kinh khủng mà chúng ta đều phải trải qua trong đời.” – Sự đồng cảm và lời động viên từ anh Thiện Chunli gửi đến người trẻ đam mê thiết kế game.
Q&A: Giải đáp thắc mắc cùng chuyên gia
Trong quá trình thiết kế character, để thổi hồn cho nhân vật thì mình cần phải hiểu biết về những yếu tố nào?
Anh Thiện Chunli – Founder Chunli Studio
Thực tế, thiết kế nhân vật đã là một phần của quy trình sản xuất từ khi nhận được brief description. Nếu chúng ta không nằm trong quy trình này thì cần phải tự đưa ra cho bản thân một đề tài, ví dụ như nhân vật đến từ đâu, tính cách như thế nào, đẹp xấu ra sao, v.v. Với vai trò của một người mới bắt đầu, các bạn có thể lựa chọn vẽ những nhân vật đời thường, gắn liền cùng cuộc sống xung quanh như bạn bè, người thân, ông, bà, anh, chị, v.v. Đây chính là những chất liệu giúp bạn tạo thành Visual Library của riêng mình. Khi muốn sáng tạo một nhân vật dễ thương, ham học thì bạn có thể tham khảo từ nguồn dữ liệu như thế. Trong đầu chúng ta càng có nhiều thông tin, kiến thức thì sẽ càng dễ dàng làm việc hơn. Tư liệu càng dày, quá trình sáng tạo nhân vật càng nhanh, ngược lại vốn liếng càng ít thì đến khi cần sử dụng sẽ không biết “nặn” ra cái gì.
Thiết kế character có cần phải biết kiến thức về thời trang hay không?
Anh Thiện Chunli – Founder Chunli Studio
Câu trả lời chính xác nhất là có, tuy nhiên thời trang thuộc phạm trù khá rộng, đúng nhất là kiến thức về trang phục. Khi làm việc đủ lâu ở ngành này, bạn sẽ phát hiện tạo hình nhân vật game khác nhau nhiều nhất nằm ở trang phục. Về lâu về dài, đôi khi Họa sĩ game sẽ càng giống với một người thiết kế thời trang hơn.
Về bản chất, chúng ta có thể quan sát thấy xã hội con người đã trải qua nhiều thay đổi ở các giai đoạn khác nhau. Ví dụ đơn giản nhất là nhân vật quá khứ của thập niên 80 hay 90 so với bây giờ có nhiều điểm khác biệt. Chúng ta cần phải hiểu về thời trang, phải biết nó đã biến đổi như thế nào thì mỗi bộ áo như T-shirt, Jacket, v.v. đều sẽ có cách vẽ khác nhau. Khi thấu hiểu những yếu tố này, nhân vật vẽ ra mới đảm bảo tiêu chí của sự đa dạng. Ngoài ra, các bạn còn phải trang bị kiến thức về vật liệu, mỗi chất liệu sẽ có độ dày riêng biệt dẫn đến đường nét, cách mô tả hình khối, màu sắc thay đổi theo. Vì thế, hiểu về thời trang đã trở thành kiến thức mặc nhiên mà một Họa sĩ game nhất định phải có.
Em đang cảm thấy bối rối khi học phần Anatomy, anh có thể cho em lời khuyên học bao nhiêu ở phần này thì có thể ứng dụng được vào công việc thực tế ạ?
Anh Thiện Chunli – Founder Chunli Studio
Với câu hỏi “học tới đâu thì được”, anh cho rằng học càng sâu càng tốt. Tuy nhiên, Anatomy có 2 phần quan trọng mà người học cần lưu ý, bao gồm: Học đủ để vẽ những nhóm cơ chính và học vẽ phẫu thuật tương tự trong Y khoa. Riêng anh, anh nhận thấy chỉ cần bạn thuộc vị trí của các nhóm cơ chủ đạo thì có thể làm việc bình thường (khoảng hơn 20 bộ cơ). Hầu hết trong môi trường thực tế, Artist chủ yếu làm việc với phần nhóm cơ thuộc thân trên. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung kiến thức của các khu vực lân cận để tìm thấy điểm tương quan giữa chúng trong quá trình vẽ nhân vật.
Diệu Ngô
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), P.13, Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542