Những thắc mắc xoay quanh câu chuyện làm phim đã được giải đáp bởi đạo diễn Võ Thanh Hòa trong buổi gặp gỡ thân mật ngày 23.12 vừa qua. Anh đã giúp người trẻ tham gia sự kiện có thêm những kiến thức mới về ngành phim điện ảnh. Hãy cùng tìm hiểu với Arena Multimedia nhé!
Tại sự kiện ngày 23.12, các bạn trẻ có niềm yêu thích với phim điện ảnh đã có cơ hội được gặp gỡ và trao đổi với đạo diễn Võ Thanh Hòa – “Cha đẻ” của nhiều tác phẩm ăn khách và chiếu rộng rãi không chỉ tại Việt Nam mà bao gồm các nước khác như Úc, New Zealand. Xuyên suốt sự kiện, các bạn dường như được khai phá thêm những kiến thức mới về làm phim. Không chỉ vậy, các bạn còn hiểu rõ hơn về quy trình tạo ra một bộ phim cần phải hoàn thiện những bước nào. Chính vì vậy, đạo diễn Võ Thanh Hòa đã khuyến khích các bạn tự hỏi bản thân 5 câu này để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về ngành và trở thành những đạo diễn tương lai “có tâm, có tầm”.
Mục đích bạn làm phim là gì?
“Câu hỏi đầu tiên anh muốn các bạn tự hỏi bản thân đó là: Mục đích mình làm phim là gì?”
Theo anh Hòa, mỗi người đạo diễn đều có một mục đích khác nhau trong việc làm phim. Có người làm phim để thương mại, có người lại muốn làm phim để thỏa mãn đam mê và lan tỏa những giá trị tuyệt vời. Đối với họ, việc xác định rõ mục đích trước khi thực hiện và bắt tay vào làm phim là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ hiểu rõ bản thân cần phải làm gì để truyền tải những thông điệp mà chúng ta muốn. Đây chính là bước đầu tiên tạo nền móng cho bộ phim của bạn. Từ đó chúng ta mới có thể triển khai thêm các bước tiếp theo như: Ý tưởng – Kịch bản, kế hoạch sản xuất, nhân sự,… Anh Hòa chia sẻ: “Trong quá trình hoàn thành và chiếu bộ phim, nếu bạn đặt ra mục tiêu, bạn sẽ biết được rằng mình đã đạt được điều đó hay chưa?” Không chỉ trong làm phim mà trong đời sống hằng ngày, hãy cố gắng tạo cho bản thân những mục đích trong công việc. Chính điều này sẽ là động lực to lớn giúp bạn đi đúng hướng và hoàn thiện công việc hiệu quả.
Khán giả của bạn là ai?
Câu hỏi tiếp theo mà Đạo diễn Võ Thanh Hòa muốn các bạn tự hỏi bản thân đó là “Khán giả của bạn là ai?” Việc xác định tệp khách hàng của mình là điều quan trọng. Anh Hòa đã chỉ ra rằng: “Khán giả sẽ không tự đến xem phim của bạn, bạn cần hiểu rõ tâm lý và đối tượng mà mình muốn hướng tới để cho họ thấy sự cuốn hút của bộ phim của bạn mang đến”. Khán giả chính là những người bỏ tiền và theo dõi bộ phim của bạn nên việc người đạo diễn cần tìm hiểu kỹ và “đánh” trúng tệp khách hàng mình mong muốn thì bộ phim của bạn sẽ dễ tiếp cận hơn. Chúng ta có thể thấy rằng mỗi bộ phim sẽ phù hợp với từng độ tuổi khác nhau. Chúng ta không thể chiếu bộ phim kinh dị, máu me cho các bạn trẻ dưới 13 tuổi hay những bộ phim hoạt hình dễ thương tới đối tượng khán giả lớn tuổi. Việc lựa chọn khách hàng phù hợp với bộ phim sẽ giúp đạo diễn dễ dàng phân loại và đưa ra được những ý tưởng, kịch bản phù hợp với những đối tượng đó. Nếu bạn là đạo diễn mới bước vào nghề và chưa có được lượng người hâm mộ nhất định, đừng quên tự đặt câu hỏi này dành cho bản thân nhé! Sẽ không lãng phí đâu.
Bộ phim của bạn có gì đặc biệt và thú vị?
Điều mà khiến bộ phim của bạn trở nên ăn tiền và đắt khách đó là “màu” của phim. Màu ở đây không phải là màu sắc hình ảnh, mà chính là việc bạn đem gì vào bộ phim của mình trở nên hấp dẫn. Màu sắc của tác giả hay những điểm nhấn thú vị, đặc sắc sẽ khiến người xem trở nên thích thú và gây được hiệu ứng tốt tới khán giả. Bạn không để đem tới một bộ phim nhàm chán với những tính tiết nhạt nhòa tới khán giả, đặc biệt là người trẻ ngày nay – đây chính là tệp khách hàng có sự đánh giá chuẩn xác nhất và “chịu chi” để được theo dõi một bộ phim hay. Ngoài ra, việc bạn không hiểu rõ về bộ phim của mình có điều gì thú vị thì bạn cũng sẽ không thể khai thác được những yếu tố đó để quảng bá sản phẩm. Việc phát triển và sử dụng những điều thú vị có trong phim để tạo ra các chiến dịch quảng cáo thú vị và đem đến những cú “hint” bất ngờ khiến ai cũng phải trầm trồ. Không dễ để có thể mang đến những điểm đặc biệt có trong phim. Người đạo diễn cần phải liên tục sáng tạo và biên kịch ra những kịch bản hấp dẫn nhất mọi thời đại. Do ngành làm phim quá phát triển và nhu cầu cũng ngày càng tăng cao, nên việc “xào” lại những kịch bản cũ, không có gì đổi mới hay thậm chí là không có ý tưởng khác biệt sẽ khiến bộ phim của bạn dần quên lãng và không có điểm nhấn.
Bộ phim của bạn có gì để làm?
Theo Đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Hiểu rõ bản thân mình có gì để làm sẽ giúp bạn tận dụng được những điều mà mình đang có để thực hiện bộ phim. Bạn cần phải biết nguồn tài nguyên xung quanh mình là gì!”. Anh Hòa khuyến khích các bạn cần phải hệ thống, tận dụng và xử lý các nguồn tài nguyên xung quanh mình để có thể thực hiện bộ phim một cách hoàn chỉnh nhất. Mọi thứ mà bạn có cũng là một dạng tài nguyên. Tài chính trong việc làm phim cũng là một điều mà bạn nên quan tâm nhưng không phải là tất cả. Nếu bạn có trong mình khả năng thuyết trình, hay khả năng kinh doanh, khả năng quay clip,… cũng rất hữu ích trong việc làm phim. Khi bạn hiểu rõ và tổng hợp được tất cả những điều mà bạn có thể làm, hãy hệ thống lại và lập một “mind-map” giúp bản thân dễ dàng thực hiện những bước tiếp theo. Khi chúng ta sắp xếp và phân loại rõ ràng, công việc sẽ không bị chồng chéo lên nhau, mọi thứ sẽ trở nên trơn tru và bổ trợ lẫn nhau. Việc hiểu rõ bản thân mình có gì cũng là điều quan trọng, bạn sẽ cân đối và tìm được những cộng sự có thể lấp đầy những khoảng trống thiếu sót để đem đến những hiệu quả bất ngờ trong công việc.
Làm phim sao cho đúng?
Câu hỏi cuối cùng và cũng là câu hỏi quan trọng nhất: Làm phim như thế nào để đúng quy trình và đạt được hiệu quả? Câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ có mặt tại buổi gặp gỡ ngày hôm nay khó có thể trả lời được bởi vì các bạn chưa được học và tìm tòi những cách biến ý tưởng của mình trở thành một bộ phim hoàn chỉnh. Ngay tại sự kiện, Đạo diễn Võ Thanh Hòa đã chia sẻ tận tình 6 bước để có thể giúp các nhiều người thực hiện bộ phim của mình bắt đầu từ con số 0. Đó là:
– Phát triển dự án: Khâu phát triển dự án cũng là một trong những bước quan trọng và tiền đề để bộ phim có thể hoàn thành hoàn chỉnh nhất. Trong bước này, bạn cần lên ý tưởng và kịch bản sao cho thú vị và hợp thời. Việc viết kịch bản cũng tốn khá nhiều thời gian để đưa ra được những đột phá mới, giúp bộ phim của bạn trở nên khác biệt. Song hành với điều đó, bạn cũng cần lên những kế hoạch sản xuất thật chi tiết và rõ ràng, “cân đo đong đếm” khoảng thời gian phù hợp của các khâu khác để có thể công chiếu bộ phim đúng thời hạn nhất. Tiếp theo, nhân sự trong đoàn làm phim là điều mà bạn cần để ý tới. Bạn cần phải có thêm khả năng quản lý con người. Điều này thật sự khó và đôi khi nó sẽ phụ thuộc vào ý thức của mỗi người nên nhiều trường hợp xảy ra không theo ý muốn sẽ gặp phải. Sau đó bạn cần lên kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp và cuối cùng là đưa tất cả những điều trên vào một proposal để chúng ta có thể xin tài trợ, tìm nhà đầu tư và khai thác được những nhân tố đồng hành cùng chúng ta trong bộ phim.
– Tiền kỳ: Trong tiền kỳ bạn cần phải tìm hiểu rõ các bước xoay quanh chiến dịch lần này, bạn cần khai thác những địa điểm phù hợp hay tìm kiếm những gương mặt thích hợp cho bộ phim của mình. Âm thanh, hình ảnh, phục trang là điều mà bạn cũng cần phải lưu ý đến để tương thích với bộ phim và bối cảnh.
– Sản xuất: Bạn cần lập một “Calling sheet” và đưa cho tất cả các thành viên, nhân vật trong đoàn. “Calling sheet” sẽ giúp bạn hiểu rõ khối lượng công việc trong một ngày mà chúng ta cần phải hoàn thành. Ngoài ra việc vận hành cũng vô cùng quan trọng, bạn và mọi người cần phải khéo léo thực hiện để tránh gây sơ suất, khiến cho quá trình làm phim bị trì hoãn. Trong quá trình sản xuất, team luôn cần phải có kế hoạch B để dự phòng, tránh trường hợp có nhiều điều xảy ra ngoài ý muốn và khiến cho quá trình thực hiện gặp phải vấn đề. Không có gì là thừa, hãy luôn dự phòng và chuẩn bị tâm lý khi gặp phải những trường hợp khó nhằn.
– Hậu kỳ: Quá trình hậu kỳ cũng được coi là một quá trình “nặng đô” và tốn thời gian nhất. Việc tạo ra các hiệu ứng, kỹ xảo tuyệt vời hay tone & mood phù hợp với phim là điều quan trọng. Bạn luôn cần phải cẩn thận và tỉ mỉ trong khâu này bởi vì đây là khâu quyết định số phận cho bộ phim của bạn. Hơn 90% bộ phim trong quá trình này gặp lỗi, sạn khiến cho tâm trạng của khán giả khi xem bị phá hỏng. Chính vì vậy, bạn cần phải cẩn thận và luôn kĩ càng để tạo ra những hiệu ứng mượt mà nhất, âm thanh sống động và kỹ xảo mãn nhãn giúp người xem phải trầm trồ khen ngợi.
– Phát hành: Việc phát hành sẽ thường được diễn ra trước và trong quá trình công chiếu bộ phim. Bạn cần phải lên các kế hoạch truyền thông, quảng bá hình ảnh và marketing sao cho hiệu quả. Không chỉ vậy, việc xác minh bản quyền cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình chiếu phim. Thường thì các nhà phát hành sẽ tổ chức các buổi offline, giao lưu với các nhân vật trong phim. Tung các trailer, teaser để làm “mồi nhử” khiến khán giả kích thích ra rạp hơn. Ngoài ra, họ thường tổ chức các hoạt động offline và online xoay quay bộ phim để tăng lượng tương tác, tiếp cận.
– Nhìn lại: Kết thúc bộ phim là lúc chúng ta cùng nhìn lại thành quả, cùng nhau đánh giá và tham khảo những nhận xét tới từ những người có chuyên môn hay phản hồi tới từ khán giả đã theo dõi. Từ đó, chúng ta có thể cùng đưa ra những điều “được và mất” trong cả quá trình tạo nên bộ phim. Sau khi kết thúc và khép lại thì người đạo diễn sẽ coi đây là một kỷ niệm và xem xét liệu có nên tiếp tục và đem tới khán giả những trải nghiệm khác hay không!
Lời kết
Đó chính là điều mà Đạo diễn Võ Thanh Hòa muốn truyền tải tới các bạn – những người trẻ luôn khát khao và đam mê chạm tới ước mơ của mình. Anh đã khuyến khích các bạn hãy luôn theo đuổi ước mơ của bản thân và trở thành những người đạo diễn tương lai, nâng cao vị thế phim ảnh Việt Nam tới các đấu trường khác. Arena Multimedia luôn bên cạnh bạn, chắp cánh cho những ước mơ Sáng tạo trở thành hiện thực. Đừng ngần ngại mà hãy tự tin vào khả năng của bản thân mình để có thể đạt được những thành công trong tương lai.
Tùng Dương