Logo đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện danh tính thương hiệu cũng như tạo ra ấn tượng trực quan. Bỏ túi ngay 10 bí kíp để thiết kế Logo hiệu quả, ấn tượng, giúp thương hiệu “ghi điểm” trong lòng khách hàng trong bài viết này nhé!
Thiết kế logo là một phần quan trọng của quá trình xây dựng thương hiệu. Từ hình dạng đến màu sắc của thiết kế logo đều có khả năng kể câu chuyện về thương hiệu của bạn. Trong bài viết này, Arena Multimedia mang đến cho các Designer 10 mẹo hữu ích để tối ưu hóa quá trình xây dựng logo cho thương hiệu.
1. Nắm rõ bạn đang làm việc với cái gì khi thiết kế logo
Điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất: đừng quên xác định rõ mục tiêu của dự án thiết kế logo và nắm vững những công việc cụ thể cần thực hiện. Hãy xác định rõ những gì bạn muốn đạt được với thiết kế logo này, sau đó vạch ra những gì cần phải làm để đạt được điều đó.
Hãy nhớ rằng, Xây dựng thương hiệu (Branding) và Logo là hai khái niệm khác nhau. Xây dựng thương hiệu là một nghệ thuật mang nhiều sắc thái định hình nên thương hiệu của bạn, trong khi thiết kế logo đóng vai trò đại diện trực quan cho thương hiệu. Cả hai đều vô cùng quan trọng, đặc biệt là với với sự bền vững của doanh nghiệp, nhưng chúng không hề giống nhau.
Nguồn ảnh: 99designs
Khi tiến hành thiết kế logo, hãy bắt đầu với một bản Brief tóm tắt yêu cầu thiết kế, từ đó bạn có thể nắm đủ các thông tin cần thiết. Lưu ý rằng, bạn cần đảm bảo bạn có xem xét mức chi phí của thiết kế logo để cân nhắc về các lựa chọn thiết kế sẵn có trong tầm ngân sách đó.
Khi bạn đã hiểu rõ những gì mình cần làm cũng như cân nhắc đủ nguồn lực và khả năng, bạn có thể tự tin tỏa sáng với sản phẩm của mình.
2. Phác họa thiết kế logo trước trên giấy sau đó mới chuyển sang đồ họa kỹ thuật số
Hiện nay, các Designer thường xuyên bắt đầu ngay với các phần mềm đồ họa kỹ thuật số như Adobe Creative Cloud để nhanh chóng hoàn thành công việc. Điều này khiến phần đông chúng ta thường quên đi sức mạnh của việc vẽ trên giấy.
Một bản vẽ tay trên giấy không cần phải hoàn hảo, nhưng nó có thể giúp bạn kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Việc vẽ phác họa cho logo giúp bạn hình dung, phát triển hình dạng và đưa ra những ý tưởng sơ khai nhất cho thiết kế.
Một điều thú vị về phác họa trên giấy là bạn không nhất thiết phải trở thành Picasso tiếp theo để có thể giao tiếp, truyền đạt thông tin qua tranh vẽ. Ngay cả khi bạn không phải là người trực tiếp thiết kế, bạn vẫn có thể dùng nó để nhanh chóng chia sẻ ý tưởng với người khác. Việc hình dung cụ thể trên một bản vẽ trên giấy cũng có thể giúp bạn nhanh chóng xác định điều bạn thích và không thích về mặt thẩm mỹ của một thiết kế logo.
Ngoài ra, đối với phác thảo những ý tưởng nhỏ và nhanh chóng, việc minh họa trên giấy thường nhanh hơn so với làm việc trên các công cụ kỹ thuật số. Đây có thể là một cách làm có phần “cũ kĩ” nhưng nghiêm túc mà nói: một nét vẽ nguệch ngoạc có khả năng đi một chặng đường dài. Việc sử dụng bút và giấy là một phần quan trọng của quá trình sáng tạo.
3. Hãy kể một câu chuyện qua logo của bạn
Logo có thể kể câu chuyện thương hiệu của bạn. Để bắt đầu, bạn trước hết cần xác định câu chuyện mà bạn muốn kể là gì, hình dung, gói ghém nó trong một vài từ khóa quan trọng và tìm cách thể hiện chúng. Những từ khoá này sẽ mang đến ý nghĩa và mục đích cụ thể cho logo của thương hiệu.
Ý nghĩa trong một logo không nhất thiết phải rõ ràng, nhưng nó có thể trở thành một kênh giao tiếp giữa thương hiệu và khách hàng. Ví dụ, mọi người đều nhớ lại cảm giác ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhận ra mũi tên trong thiết kế logo của FedEx. Hay khi nhìn kỹ vào logo của Tour De France, bạn sẽ tìm thấy một tay đua xe đạp.
Baskin Robbins cũng là một ví dụ thú vị khi họ tích hợp số lượng hương vị đặc trưng của họ vào logo. Và chúng ta không thể bỏ qua logo của Toyota, chiếc logo mà khi ta nhìn kĩ, ta sẽ nhận ra từng chữ cái của tên thương hiệu. Tất cả những thiết kế logo này đều đang kể câu chuyện về thương hiệu, bạn cũng có thể tạo ra những logo như vậy!
4. Bắt đầu thiết kế logo với hai màu đen-trắng (màu sắc có thể được thêm vào sau)
Mặc dù màu sắc có vai trò quan trọng đối với việc thể hiện tích cách thương hiệu của bạn nhưng nó cũng có thể chỉ là một khía cạnh tương đối. Quá tập trung vào màu sắc logo có thể ảnh hưởng đến quá trình bạn phát triển ý tưởng. Hãy nhớ điều này: ở một thời điểm nào đó, tất cả các logo đều xuất hiện ở dạng đen và trắng. Vì vậy, bắt đầu với hai màu đen trắng sẽ không bao giờ là việc thừa thãi.
Khi bắt đầu với bản đen trắng, các Designer có thể tập trung hơn vào các chi tiết, nội dung và ý nghĩa của logo – những điều vốn là quan trọng nhất. Khi bạn cảm thấy thoải mái và hài lòng với phiên bản đơn sắc, hãy tiếp tục với những phiên bản đa sắc.
5. Hãy để thiết kế logo thật đơn giản!
Một logo thành công nên dễ nhận biết, dễ nhớ và không quá phức tạp. Tính đơn giản là chìa khóa cho vấn đề này vì nó giúp đảm bảo rằng logo của bạn dễ nhớ. Ngoài ra, các logo đơn giản lại thường linh hoạt và hữu ích nhất.
Đôi khi ít chính là nhiều, và trong việc thiết kế logo, điều này khó có thể phủ nhận. Một logo không cần phải phức tạp hoặc lộng lẫy quá mức. Trong thực tế, khoảng trống âm (hay chính là những khoảng trắng) sẽ giúp logo trông thoáng mắt và “sạch sẽ” hơn. Rất nhiều thương hiệu toàn cầu nổi tiếng đã sử dụng những chiếc logo cực kỳ đơn giản. Một vài cái tên có thể kể tới là Apple, Chanel, Olympic Games và Spotify.
6. Sử dụng thiết kế logo chữ cái và hình khối một cách có chiến lược
Hãy lựa chọn cách thức và thời điểm bạn sử dụng chữ cái và hình khối trong logo thật thông minh. Logo của bạn phải dễ nhớ, linh hoạt và độc đáo. Nó không nhất thiết phải là một hình ảnh phức tạp, đầy ắp ký tự và đường cong.
Logo của các thương hiệu Lululemon Athletica, Nike, Pepsi và Twitter đã chứng minh rằng một logo có thể thành công mà không cần có chữ cái. Cùng lúc, các thương hiệu khác như Sony, Google, Panasonic và Victoria’s Secret cũng cho chúng ta thấy rằng một logo có thể thành công mà không cần có hình khối hay biểu tượng nào. Trong khi đó, một số logo thực sự cần sự phối hợp hài hòa giữa chữ cái và hình khối để phát triển, như trường hợp của National Geographic, Microsoft, Ford và Levi’s.
Không nhất thiết có một đáp án đúng hoặc sai khi cân nhắc sử dụng chữ cái và hình khối. Hãy khôn ngoan và chọn con đường phù hợp nhất với thương hiệu của bạn.
7. Hãy cân nhắc về kích thước thiết kế logo
Mọi thương hiệu đều cần một logo có thể phóng to, thu nhỏ được. Nó nên giữ được chất lượng ở nhiều kích thước và địa điểm, mang lại cho thương hiệu sự linh hoạt tối ưu. Để tạo ra những logo có thể thu phóng hoàn hảo, hãy tưởng tượng logo của bạn ở các vị trí khác nhau, cả lớn và nhỏ. Hãy cân nhắc cả các tình huống không lí tưởng. Ví dụ, logo có thể sử dụng trên một biển quảng cáo lớn hay một tấm danh thiếp nhỏ không?
Trong quá trình lên ý tưởng và thiết kế, bạn có thể kiểm tra trước bằng cách in logo ra ở các kích thước khác nhau và xem cách nó đáp ứng các tình huống. Việc có logo phiên bản thực tế ở cách kích thước khác nhau sẽ giúp bạn đánh giá tốt hơn cách logo của bạn truyền đạt thông điệp trong các bối cảnh khác nhau.
8. Định vị thiết kế logo của bạn theo cả chiều ngang và chiều dọc
Hầu hết các thương hiệu đều cần nhiều logo, và điều đó không có vấn đề gì cả. Không phải mọi logo đều hoạt động tốt ở mọi không gian và đó là lúc các biến thể của logo trở nên hữu ích.
Hãy thiết kế hai logo chính và phụ để đảm bảo rằng bạn có thể sử dụng logo của mình ở cả không gian ngang và dọc. Thông thường, logo chính sẽ theo chiều ngang còn logo phụ sẽ theo chiều dọc. Logo chính của bạn sẽ là logo phức tạp và hoàn chỉnh nhất, trong khi logo phụ của bạn có thể đóng vai trò là một phần đồng hành hữu ích.
Ghost Browser và Apollo cũng đang tối ưu logo của họ theo cách này, trong hình ảnh dưới đây, logo chính nằm bên trái và logo phụ nằm bên phải.
9. Đảm bảo rằng thiết kế logo của bạn là của bạn và chỉ bạn
Logo mà bạn tạo ra nên chỉ thuộc về bạn chứ không thêm bất kì ai khác. Tính xác thực, sự độc đáo và quyền sở hữu đều là những phần quan trọng của quá trình sáng tạo. Thêm vào đó, sự độc đáo là một phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu hiệu quả. Khi thiết kế logo, hãy luôn tự hỏi: Bạn đã từng thấy hình ảnh như vậy ở đâu trước đây chưa?
Chúng ta đã học được nhiều điều từ tranh cãi về logo của Airbnb. Năm 2014, công ty này đã thay đổi thiết kế logo của họ rất nhiều lần và kết thúc với một kết quả tương tự một cách đáng kinh ngạc với một công ty khởi nghiệp ở thời điểm đó, Automation Anywhere. Sau đó vào năm 2017, một tình huống tương tự đã xảy ra trong vụ kiện giữa Paypal và Pandora khi Pandora đang tìm cách làm mới logo của họ và kết thúc bằng một logo trông quá giống với logo PayPal.
Bài học từ những sự cố này là việc “trộm cắp” là sai trái và thiết kế logo cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Để tránh mọi vấn đề tiềm ẩn và yên tâm hơn, hãy thực hiện tìm kiếm hình ảnh ngược trên Google với ý tưởng logo của bạn.
10. Đừng ngại để thiết kế logo của bạn “phát triển”
Thương hiệu của bạn có thể phát triển theo thời gian và logo cũng vậy. Logo không nhất thiết phải tồn tại mãi mãi và bạn hoàn toàn có thể tân trang lại nó. Rất nhiều logo nổi tiếng nhất thế giới cũng đã và đang thay đổi theo thời gian. Instagram, Firefox, IKEA, McDonald’s và Starbucks đều đã làm mới logo của họ để phù hợp hơn với thẩm mỹ hiện đại.
Nếu bạn quyết định làm mới logo, hãy cố gắng không đi quá xa so với bản gốc. Giữ lại một số đặc điểm đặc trưng thay vì thực hiện một sự thay đổi toàn diện. Như vậy, người theo dõi hiện tại của bạn sẽ không cảm thấy quá xa lạ và rời đi.
Kết lại
Nếu bạn đang trên hành trình theo đuổi thiết kế logo chuyên nghiệp, biết đến 10 mẹo thiết kế này hoàn toàn có thể giúp bạn đưa logo của mình lên một tầm cao mới. Hãy luôn duy trì sự sáng tạo, linh hoạt, không dừng trau dồi kiến thức và nỗ lực một cách có chiến lược để tạo ra những sản phẩm tốt có giá trị với thương hiệu.
Nguồn: 99designs
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |