Trong những năm gần đây, khái niệm “lo-fi design” đã nổi lên như một xu hướng nghệ thuật độc đáo, biến những yếu tố từng bị coi là “vụng về” thành những tuyên ngôn thẩm mỹ có chủ đích. Phong cách này đặc biệt thu hút sự quan tâm của thế hệ Gen Z, những người đang tìm kiếm sự khác biệt và cá tính trong thiết kế.
“Lo-fi design” là gì?
“Lo-fi” là viết tắt của “low fidelity”, thuật ngữ ban đầu xuất phát từ thế giới âm nhạc để mô tả những bản ghi âm có chất lượng thấp, thường kèm theo các yếu tố không hoàn hảo như tiếng ồn nền, âm thanh méo, nhiễu tín hiệu hoặc lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là: Sự “kém chất lượng” này lại có chủ đích. Với những người yêu thích lo-fi, những tiếng động vụn vặt ấy không phải khuyết điểm, mà là phần tạo nên tính chân thực và cảm xúc, như thể người nghe có thể cảm nhận được “hơi thở” của người nghệ sĩ phía sau bản nhạc.
Chuyển sang lĩnh vực thiết kế đồ họa, “lo-fi design” mang theo tinh thần tương tự. Đây là phong cách thiết kế cố tình sử dụng những yếu tố bị xem là “lỗi” hoặc “vụng về”, chẳng hạn như:
- Font chữ nguệch ngoạc (scribble font)
- Bố cục lệch chuẩn, không theo hệ lưới cố định
- Ảnh mờ, ảnh vỡ nét
Màu sắc chói gắt hoặc thiếu nhất quán - Hiệu ứng thị giác gợi cảm giác hoài cổ, thủ công, không chỉnh sửa
Tuy nhiên, điều cốt lõi khiến lo-fi trở nên khác biệt không nằm ở kỹ thuật, mà nằm ở chủ đích thẩm mỹ. Lo-fi design không phải là kết quả của sự thiếu kỹ năng, mà là một lựa chọn sáng tạo – giống như cách một nghệ sĩ chọn vẽ bằng than thay vì màu nước, hoặc chọn canvas cũ thay vì giấy trắng tinh.
Nguồn ảnh: Font Bundles
Khi “thiết kế lỗi” trở thành xu hướng
Hãy thử tưởng tượng bạn lướt qua một poster quảng cáo trông như được cắt ghép bằng Paint đời đầu: Font chữ nguệch ngoạc, ảnh mờ, màu sắc chói lóa và bố cục thì “lộn xộn một cách nghệ thuật”. Với tiêu chuẩn thiết kế truyền thống, nó có thể bị xếp vào hàng “xấu không thể cứu”.
Nhưng thực tế, rất có thể chính thiết kế ấy lại đang gây viral, thu hút hàng triệu lượt chia sẻ và được ca ngợi là “chất”, “độc”, “có gu”. Những ví dụ như bìa tạp chí “i-D” với scribble font, áp phích phong cách DIY của các buổi diễn indie, hay giao diện website “Cameron’s World” (dùng giao diện GeoCities cũ kỹ) là minh chứng sống động: Thiết kế lỗi đang trở thành một tuyên ngôn thẩm mỹ mới.
Nguồn ảnh: Cameron’s World
Vậy tại sao những gì từng bị xem là “thiết kế dở”, nghĩa là không tuân thủ lưới bố cục, sai nguyên lý màu sắc, typo khó đọc giờ lại được ca tụng và sao chép rộng rãi?
Câu trả lời nằm ở sự trỗi dậy của một xu hướng thẩm mỹ được gọi là “lo-fi design”, tức thiết kế chất lượng thấp một cách có chủ ý. Trái với thiết kế truyền thống vốn ưa chuộng sự mượt mà, chỉn chu và đồng bộ, lo-fi design ôm trọn tính “vụng về”, thô sơ, phi chuẩn như một sự khẳng định cá tính.
Bên cạnh đó, triết lý “anti-design” (chống thiết kế) cũng đang được giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đón nhận như một tuyên ngôn phản kháng những khuôn mẫu đã quá cũ kỹ và nhàm chán. Đối với họ, thiết kế không nhất thiết phải đẹp theo chuẩn mực, mà cần phải thật, lạ, và có cảm xúc.
Thay vì chạy theo các layout bóng bẩy và hệ thống lưới gò bó, các nhà thiết kế trẻ đang chọn cách “phá”. Họ chủ động dùng những lỗi thị giác như typo rối mắt, ảnh vỡ, màu sắc lệch tone hay bố cục sai nguyên tắc, không phải vì thiếu kỹ năng, mà vì họ muốn tạo ra một không gian thị giác gây nhiễu, phản truyền thống và độc bản. Đó là cách họ nói: “Tôi khác biệt, và tôi có quyền chọn cái đẹp theo cách riêng của mình.”
Phân biệt giữa “lo-fi design” và “thiết kế xấu”
Một trong những nhầm lẫn phổ biến nhất về lo-fi design là việc đánh đồng phong cách này với sự thiếu chuyên nghiệp hay kém kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là: Lo-fi không phải kết quả của việc thiếu năng lực thiết kế, mà là một sự lựa chọn có chủ đích về mặt thẩm mỹ và triết lý sáng tạo.
Nguồn ảnh: diyconspiracy
Thiết kế “xấu” thường là kết quả của lỗi kỹ thuật, như bố cục rối mắt, màu sắc không hài hòa, typo sai chính tả, hoặc chất lượng hình ảnh kém vì không được xử lý đúng cách. Những sai lầm này thường phát sinh từ người mới vào nghề, hoặc từ quá trình thiết kế thiếu trau chuốt. Ngược lại, lo-fi design là khi người thiết kế cố tình phá vỡ các quy tắc chuẩn mực. Và quan trọng là họ biết rất rõ mình đang làm gì.
Chẳng hạn, trong một poster punk zine, việc dùng font viết tay nguệch ngoạc, hình ảnh đen trắng vỡ nét và bố cục chồng lấn không phải là lỗi, mà là cách để khơi gợi tinh thần DIY, nổi loạn và chống lại sự thương mại hóa của nghệ thuật. Tương tự, trang web Cameron’s World, một dự án nghệ thuật số tái hiện trải nghiệm lướt web thập niên 90, sử dụng giao diện xấu một cách có tính toán để tái tạo cảm xúc hoài niệm từ thời kỳ đầu của Internet. Đây là một ví dụ điển hình của lo-fi aesthetic được ứng dụng nghiêm túc trong nghệ thuật kỹ thuật số hiện đại (cameronsworld.net)
Lo-fi design ưu tiên tính cảm xúc hơn là tính gọn gàng. Trong bối cảnh mà thiết kế ngày càng “sạch sẽ” và trơn tru đến mức vô cảm, nhất là với sự thống trị của phong cách flat design và UI tối giản, thì lo-fi xuất hiện như một phản ứng ngược, khơi lại cảm giác “người thật, việc thật”. Scribble font hay ảnh vỡ không còn là biểu tượng của lỗi, mà trở thành công cụ để gợi nhắc sự gần gũi, chân thật, và đôi khi là cả sự hoài cổ.
Theo tạp chí Eye on Design (thuộc AIGA – tổ chức thiết kế đồ họa lâu đời nhất Hoa Kỳ), nhiều nhà thiết kế trẻ đang chủ động “làm xấu” sản phẩm để chống lại thẩm mỹ công nghiệp quá trau chuốt. Trong một bài viết năm 2021, tạp chí này viết rằng: “Ngày càng có nhiều sự yêu thích dành cho những thiết kế trông như thể chúng chưa từng được thiết kế, thứ gì đó lộn xộn, tức thời, đầy tính con người. Nó mang lại cảm giác chân thật.”
Điều này cho thấy rằng, cái xấu trong lo-fi không phải là lỗi, mà là biểu tượng của sự giải phóng khỏi quy chuẩn, khỏi khuôn mẫu, và khỏi cái gọi là “đẹp đúng nghĩa”.
Một số ví dụ nổi bật trong lo-fi design
Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của lo-fi design chính là zine art, phong cách tạp chí thủ công ra đời từ các cộng đồng punk, feminist và underground những năm 70–80. Không giống với các tạp chí thương mại trau chuốt, zine thường được in bằng máy photocopy, sử dụng hình ảnh cắt dán, chữ viết tay, đánh máy lỗi và trình bày ngẫu hứng.
Sự thô ráp, lệch chuẩn của zine không phải là dấu hiệu của nghiệp dư, mà là một lựa chọn mang tính tuyên ngôn: Chống lại thiết kế đại chúng, đề cao cá tính và tinh thần tự do. Ngày nay, tinh thần zine đang quay trở lại trong các ấn phẩm indie, thiết kế poster sự kiện và chiến dịch sáng tạo dành cho Gen Z, những đối tượng yêu thích cái “thô mà thật”.
Nguồn ảnh: newyorker
Cũng nằm trong tinh thần đó là sự trỗi dậy của scribble font, kiểu chữ mô phỏng nét viết tay nguệch ngoạc, không đều đặn và đôi khi có phần “trẻ con”. Scribble font không mang lại sự cân đối thị giác như các typeface truyền thống, nhưng chính sự lệch lạc ấy lại tạo nên cảm giác chân thật, cá nhân hóa và gần gũi.
Đây là một lựa chọn phổ biến trong thiết kế truyền thông của các thương hiệu trẻ, các chiến dịch mạng xã hội hay sản phẩm sáng tạo handmade. Với scribble font, chữ không chỉ để đọc, mà còn để “nghe” được giọng nói của người viết, một cách truyền tải cảm xúc rất “con người” trong thời đại mà công nghệ dễ khiến mọi thứ trở nên lạnh lẽo.
Nguồn ảnh: dafont
Cuối cùng, một trong những yếu tố nổi bật nhất trong lo-fi design chính là layout lệch chuẩn, tức là việc bố trí hình ảnh, văn bản và khoảng trắng một cách phi tuyến tính, thậm chí bất quy tắc. Thay vì tuân thủ lưới căn chỉnh (grid) để đảm bảo sự gọn gàng và dễ đọc, lo-fi layout chọn phá vỡ những cấu trúc quen thuộc: Chữ có thể tràn viền, ảnh chồng lên chữ, hoặc khoảng trắng được dùng một cách “lệch pha”.
Điều này giúp thiết kế trở nên cảm xúc hơn, không theo lối mòn, và gợi mở cho người xem một cảm giác động, thậm chí là hỗn loạn, đúng như tâm trạng hoặc thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt. Ta có thể thấy tinh thần này rất rõ trong các website kiểu brutalist, poster nhạc indie, hay các ấn phẩm nghệ thuật đương đại.
Nguồn ảnh: studio-push
Vì sao “xấu” lại đẹp? Anti-design và tuyên ngôn thẩm mỹ của Gen Z
Trong thời đại mà mọi hình ảnh trên mạng xã hội đều có thể được chỉnh sửa, lọc màu và căn chỉnh tới mức hoàn hảo, cái đẹp trở nên đồng bộ và… nhàm chán. Thế hệ Gen Z lớn lên cùng công nghệ số, nhưng đồng thời cũng chứng kiến sự quá tải của hình ảnh “trơn tru” đang dần quay lưng lại với những tiêu chuẩn thẩm mỹ hoàn hảo. Thay vào đó, họ tìm đến những thứ “xấu” một cách chủ đích như một cách để khẳng định cá tính và tôn vinh tính người trong thiết kế.
Với Gen Z, chân thực là giá trị cốt lõi trong biểu đạt thẩm mỹ. Họ không còn tin vào những vẻ ngoài quá trau chuốt, từ ảnh selfie đã chỉnh sửa quá đà đến thiết kế sản phẩm bóng bẩy nhưng vô hồn. Lo-fi design và anti-design mang lại cảm giác “người thật, việc thật”, giống như cách scribble font mô phỏng nét chữ tay, hay poster zine art gợi lên không khí thủ công, cá nhân hóa.
Theo báo cáo của Business of Fashion năm 2023, Gen Z có xu hướng “ưu tiên sự chân thành trong ngôn ngữ hình ảnh”, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội khiến họ nghi ngờ những gì quá “sạch sẽ”. Bởi vậy, những thiết kế “không hoàn hảo” lại khiến họ cảm thấy thật và đáng tin hơn.
Nguồn ảnh: envanto
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, ngành thiết kế toàn cầu bị thống trị bởi các nguyên tắc UI/UX, flat design, tối giản hóa (minimalism) vốn ra đời để phục vụ tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, khi mọi thứ đều quá giống nhau với màu sắc trung tính, font sans-serif an toàn, bố cục lưới hoàn hảo thì thiết kế trở nên thiếu bản sắc.
Khi đó, anti-design chính là một phản ứng mang tính nổi loạn: Nó cố tình “làm sai”, “làm xấu”, và phá vỡ những gì quá đúng. Trong một môi trường thị giác đồng hóa như mạng xã hội hay quảng cáo số, một thiết kế xấu, nhưng nếu xấu một cách có chiến lược sẽ nổi bật và được chú ý hơn nhiều lần.
Anti-design trong dòng chảy văn hóa thẩm mỹ
Chúng ta cần biết rằng phong cách anti-design không tồn tại đơn độc. Nó là một phần trong dòng chảy rộng lớn hơn của các trào lưu “anti-aesthetic”, nơi cái xấu, cái lỗi, cái lệch chuẩn và cả sự thiếu trọn vẹn lại trở thành những yếu tố hấp dẫn, mang tính biểu đạt và phản kháng. Những xu hướng này không chỉ dừng ở thiết kế đồ họa mà còn lan rộng sang thời trang, nhiếp ảnh, nghệ thuật thị giác và cả phong cách sống. Tất cả đều cùng chia sẻ một triết lý cốt lõi: Cái đẹp không còn là thứ hoàn hảo mà là thứ có thật, có góc cạnh, và có cảm xúc.
Ugly fashion: Cái xấu có chủ đích trong thời trang cao cấp
Thời trang từng có một “quy luật ngầm” là làm người mặc trở nên đẹp hơn theo chuẩn đẹp của xã hội. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ta chứng kiến sự trỗi dậy của ugly fashion, nơi những bộ đồ có phom dáng thô kệch, màu sắc chỏi mắt, tỉ lệ lệch chuẩn lại được tôn vinh như biểu tượng của cá tính và sự nổi loạn.
Các thương hiệu như Balenciaga, Vetements, hay Maison Margiela là những cái tên tiên phong trong việc phá vỡ chuẩn mực “mặc đẹp” bằng cách đưa lên sàn diễn những đôi sneaker khổng lồ, áo phao khổng lồ hoặc trang phục như thể được phối từ thùng đồ cũ. Mục tiêu không còn là làm đẹp người mặc, mà là đặt câu hỏi về bản chất của cái đẹp, và thách thức cái nhìn của công chúng.
Ugly fashion giống như anti-design trong thiết kế: Nó dùng sự “xấu có chiến lược” để tạo bản sắc thị giác và phản ánh thái độ xã hội, từ chối sự trơn tru, bóng bẩy mang tính tiêu chuẩn hóa.
Nguồn ảnh: GQ
Blurry photography: Cảm xúc trong sự rung mờ
Một bức ảnh rung tay, mất nét, dư sáng hay thiếu sáng từng được coi là “ảnh hỏng”. Thế nhưng ngày nay, đó có thể là chủ đích thẩm mỹ. Trào lưu blurry photography, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng nhiếp ảnh analog, nghệ thuật đương đại và mạng xã hội đã biến sự không hoàn hảo trong kỹ thuật thành chất liệu biểu cảm.
Ảnh mờ thường gắn với cảm giác ký ức, gợi nhắc những khoảnh khắc chưa kịp nắm bắt trọn vẹn. Chính điều đó làm nên sự chân thực, xúc cảm và cá nhân, điều mà ảnh kỹ thuật số “sắc nét hoàn hảo” đôi khi không thể truyền tải được. Trên Instagram hay các tạp chí như Aint–Bad hoặc Juxtapoz, blurry photography trở thành một phần của dòng thẩm mỹ hướng về sự mong manh, thiếu trọn vẹn, đầy tính người.
Nguồn ảnh: cameraworld
Trash aesthetic: Thẩm mỹ của sự hỗn loạn và lỗi hệ thống
Trong thiết kế đồ họa, trash aesthetic là phong cách sử dụng những yếu tố bị coi là “rác” – ảnh vỡ, font chữ bị lỗi, icon hệ điều hành cũ, layout loạn, màu neon chói… để tạo ra một trải nghiệm thị giác hỗn loạn, đôi khi là gây khó chịu.
Nhưng đằng sau sự hỗn loạn ấy là một thông điệp: Phản kháng lại clean design, nơi mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng, hợp lý, nhưng đôi khi lại vô cảm. Trash aesthetic không “đẹp”, nhưng nó dám tạo cảm xúc, dám làm phiền người xem, và dám đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cần mọi thứ phải sạch sẽ đến mức vô trùng?
Trash aesthetic phổ biến trên các nền tảng như Tumblr, Pinterest và các cộng đồng thiết kế indie, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế bìa nhạc, poster sự kiện underground hoặc thương hiệu thời trang mang tinh thần “y2k revival”.
Nguồn ảnh: Pinterest
Lo-fi design trong thực tế sáng tạo: Từ underground đến mainstream
Từng là một thẩm mỹ bên lề, lo-fi design hiện nay đã lan rộng và len lỏi vào nhiều lĩnh vực sáng tạo, từ âm nhạc, thiết kế đồ họa, thời trang cho đến trải nghiệm kỹ thuật số. Đặc biệt trong bối cảnh Gen Z chiếm lĩnh văn hóa tiêu dùng và định hình xu hướng thẩm mỹ mới, lo-fi không còn là “thử nghiệm nghệ thuật” mà đã trở thành ngôn ngữ thị giác chiến lược cho cả thương hiệu lớn lẫn nghệ sĩ độc lập.
Lo-fi design có nguồn gốc gần gũi với thế giới âm nhạc, đặc biệt là dòng lo-fi hip hop, thể loại được biết đến với tiếng beat nhẹ nhàng, âm thanh văng vẳng của máy cassette, tiếng giấy sột soạt, tiếng gõ bàn phím… Những “lỗi âm thanh” tưởng chừng phải loại bỏ lại trở thành phần không thể thiếu, mang lại cảm giác thân mật và hoài niệm.
Sự nổi tiếng của kênh YouTube Lo-fi Girl (trước đây là ChilledCow), với hình ảnh một cô gái đang học bài bên cửa sổ cùng tiếng nhạc lo-fi nhẹ nhàng, chính là ví dụ điển hình cho việc thẩm mỹ lo-fi không chỉ chạm đến tai, mà còn xây dựng cả một hệ sinh thái hình ảnh thủ công, gần gũi và thư giãn, điều mà người trẻ đang tìm kiếm giữa thế giới kỹ thuật số quá tải.
Nguồn ảnh: lofigirl
Trong thiết kế đồ họa, lo-fi được thể hiện qua các poster in tay, áp phích sự kiện indie, bìa tạp chí thủ công hay nghệ thuật đường phố. Những thiết kế này sử dụng kỹ thuật cắt dán, font scribble, màu sắc mạnh, bố cục lệch chuẩn – tất cả tạo ra sự “nhiễu thị giác” nhưng đầy tính biểu cảm.
Tạp chí Mushpit của Anh hay các ấn phẩm như Toiletpaper Magazine là ví dụ cho việc ứng dụng aesthetic lo-fi để thể hiện bản sắc nổi loạn, phi thương mại và mang góc nhìn văn hóa châm biếm. Tương tự, các triển lãm nghệ thuật đường phố thường dùng bố cục phá cách, typo thủ công, ảnh mờ, màu loạn để truyền tải nội dung phản biện và gây sốc thị giác, từ đó khiến người xem phải dừng lại và suy nghĩ.
Trong kỷ nguyên mà Gen Z ưu tiên sự thật, cá nhân và ngẫu hứng, các thương hiệu hiện đại đang chủ động khai thác lo-fi như một ngôn ngữ thẩm mỹ chiến lược. Thương hiệu thời trang Heaven by Marc Jacobs sử dụng zine art, hình ảnh cắt dán kiểu “rác thẩm mỹ” và scribble font như một phần không thể tách rời của hệ nhận diện. Hay như Balenciaga, một cái tên vốn nổi danh với ugly fashion, cũng nhiều lần đưa aesthetic lo-fi lên website, poster và chiến dịch có khi là ảnh mờ, bố cục rối, thiết kế như “chưa làm xong”.
Nguồn ảnh: shoptoiletpaper
Ngoài thời trang, các app hướng đến Gen Z như BeReal, Dispo hay giao diện “throwback” của Spotify Wrapped 2023 cũng sử dụng yếu tố lo-fi: Hiệu ứng ảnh film, bố cục phi chuẩn, hình minh họa thủ công. Tất cả tạo ra một cảm giác “thô nhưng thật”.
Lo-fi – Khi thẩm mỹ không còn là luật lệ
Trong thời đại mà mọi thứ đều được thiết kế “đúng chuẩn”, gọn gàng, dễ đọc và dễ nhìn, lo-fi design xuất hiện như một chiến lược làm thương hiệu ngược chiều nhưng hiệu quả: Không cần hoàn hảo, chỉ cần khó quên. Điều thú vị là lo-fi không nhất thiết phải “đẹp” theo tiêu chuẩn thẩm mỹ truyền thống, nhưng chính sự vụng về, ngẫu hứng, thậm chí lỗi có chủ đích lại khiến nó nổi bật và in dấu trong tâm trí người xem.
Lo-fi không đẹp theo nghĩa cổ điển nhưng nó chạm được vào trải nghiệm thị giác và tâm lý của người trẻ, những người đang muốn nhìn thấy chính mình với tất cả sự chân thật, thô ráp và riêng biệt trong thế giới xung quanh. Và Gen Z – Một thế hệ mới đang tái định nghĩa cái đẹp. Đối với họ, thẩm mỹ không còn là một bộ quy tắc mà là một không gian mở, nơi ai cũng có quyền kể câu chuyện theo cách của mình, bằng bất kỳ chất liệu thị giác nào, kể cả những thứ từng bị coi là lỗi.
Và có lẽ, trong bối cảnh thẩm mỹ đang ngày càng được “template hóa”, chính những gì lỗi thời, cũ kỹ, vụng về, phi chuẩn lại trở thành thiết kế hợp thời nhất hiện tại. Liệu đây có phải là lúc để chúng ta nhìn lại khái niệm “đẹp” và hỏi: Đẹp, là theo ai?
Tổng hợp
Ming
Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia sở hữu hai chương trình đào tạo tiên tiến mang tên Graphic Design & Interactive Media (GDIM) và Animation, VFX & Gaming (AVG). Với mục tiêu đào tạo chuyên sâu về Thiết kế Truyền thông (Communication Design) và Sản xuất nội dung giải trí (Entertainment Design), GDIM và AVG có sự rút gọn về thời gian nhưng sẽ có sự tập trung cao hơn, học và rèn luyện học sâu hơn về kiến thức và kỹ năng làm nghề, nhằm chuẩn bị cho một tương lai có nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức và đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn từ phía doanh nghiệp tuyển dụng. Chương trình Graphic Design & Interactive Media (GDIM): – Học kỳ 1: Thiết kế hình ảnh truyền thông (Visual Communication Design) – Học kỳ 2: Thiết kế thương hiệu (Branding Design) – Học kỳ 3: Đồ họa chuyển động và xây dựng nội dung video (Motion Graphics & Video content) – Học kỳ 4: Phát triển sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Development) Chương trình Animation, VFX & Gaming (AVG): – Học kỳ 1: Tiền sản xuất Hoạt hình và Games (Pre-Production for Animation & Games) – Học kỳ 2: Thiết kế tạo hình 3D cho Game, VFX và hoạt hình (3D Art and Design for Animation, Games & VFX) – Học kỳ 3: Diễn hoạt 3D trong Hoạt hình, Game và VFX (Advanced 3D for Animation, Games & VFX with Electives & Generative AI) – Học kỳ 4A (lựa chọn): 3D thời gian thực và Thiết kế đồ hoạ Game (Real Time 3D & Game Art) – Học kỳ 4B (lựa chọn): Kỹ xảo trong Hoạt hình, Phim và Game (Visual Effects for Animation, Films & Game) Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |