Trong thế giới hình ảnh, “tĩnh vật” là một lĩnh vực hết sức rộng lớn. Những vật thể ở quanh ta trong cuộc sống thường ngày: một lọ hoa, một cây bút, vài quyển sách, chiếc nón lá, cắp kính lão, mâm ngũ quả… đều có thể trở thành đề tài của anh tĩnh vật với sức diễn tả vô hạn. Ngôn ngữ nhiếp ảnh dùng từ “still life” diễn tả thuật ngữ “tĩnh vật” nghĩa là sức sống đang tiếp diễn. Khi trí óc con người còn minh mẫn, tâm hồn còn rung động, sáng kiến còn nảy nở trước cái Đẹp, tĩnh vật sẽ còn được khai thác với nhiều ý tưởng mới lạ.
Sức sống từ những vật thể vô tri
Để trau dồi kỹ năng, trắc nghiệm những lý thuyết đã học, nhà trường thường đưa thể loại tĩnh vật vào các chương trình đào tạo. Thực tập trong thể loại tĩnh vật, học viên nhiếp ảnh mới thông suốt được công dụng của ánh sáng, tầm quan trọng của bố cục, cách sự dụng ống kính và biết bao kiến thức quan trọng khác cả trong kỹ thuật và mỹ thuật. Trước khi bắt tay vào chụp ảnh tĩnh vật, người chụp cần nắm rõ những vấn đề cơ bản như:
– Cần diễn tả đúng tính chất, đặc trưng của đối tượng thể hiện như: độ bóng mọng của trái cây, độ mịn màng của các loài hoa, chất liệu óng ả của lụa, sự trong trẻo, thanh khiết của nước…
– Ánh sáng giữ vai trò chủ đạo để làm nổi bật hình khối của đối tượng. Nếu chọn được cách phối sáng tốt, tác phẩm sẽ khiến người xem phải sửng sốt vì vẻ đẹp của những vật thể đơn sơ hằng ngày. Hai hướng chiếu sáng thường tôn vẻ đẹp của vật là chếch 45 độ hoặc ngược sáng cho ảnh có chiều sâu.
– Bố cục giữ nhiệm vụ sắp xếp, định hướng nhằm diễn tả một cách tốt nhất cho đối tượng, nhấn mạnh được chủ đề, tôn vinh được chủ thể. Việc bố cục đòi hỏi óc thẩm mỹ cao, sắp xếp cho thật tự nhiên, hài hoà mà không tầm thường, khô cứng, táo bạo mà không giả tạo. Như người hoạ sỹ vẽ tranh, người chụp ảnh phải dồn nhiều trí tuệ cho việc sắp xếp bố cục ảnh để kích thích ngay được thị giác và hấp dẫn người xem, đồng thời định hướng cảm thụ từ chi tiết đến tổng thể hay từ tổng thể vào chi tiết.
– Người chụp ảnh có thể tuỳ khối lượng của vật mà sắp đặt từ nặng đến nhẹ, tỷ lệ đặc rỗng mạch lạch, hợp lý. Ảnh cần có đường nét để dẫn hướng các giác quan của người xem, gợi mở cho người xem tự tìm hiểu và khám phá những duyên thầm, ý kín của tác phẩm, để thông qua suy nghĩ, người xem tự hiểu tác phẩm qua lăng kính nội tâm của riêng mình.
Ảnh tĩnh vật có sức sống ở chỗ để cho người xem tự suy ngẫm, tự lý giải những ý nghĩa của sự vật như đọc được tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Tinh thần phương Đông luôn lấy sự giản dị nhưng không giản đơn làm trọng, lấy cái Đẹp nội tại làm đích đến. Ảnh tĩnh vật cũng cần lấy phương châm ” ý tại ngôn ngoại”, cần lấy cái ít để nói cái thật nhiều làm ngôn ngữ tạo hình. Người chụp phải biết tôn lên vẻ đẹp của vật, đồng thời phải biết gạn lọc, hy sinh những chi tiết thừa, không phục vụ cho chủ đề của ảnh.
– Loại phim đen trắng với sắc độ thâm trầm của ảnh ” sắc độ nặng” hoặc sắc nhạt thanh cao của ảnh ” sắc độ nhẹ” thật phù hợp với sức chuyên chở về ý tưởng của ảnh tĩnh vật theo tinh thần mượn vật tả tình. Một bức ảnh tĩnh vật sống động khiến mắt người xem ngưng lại tại một điểm ” then chốt”, nhìn ra tổng thể để nắm nội dung lớn rồi lại quay về trong tâm cũ để tìm được những gợi mở kín đáo về nội dung.
– Sử dụng loại phim có độ nhạy thấp giúp cho ảnh được mịn hạt và rõ chi tiết. Các loại ống kính chuyên dùng như Macro hay Micro cũng cần thiết để vật thể không bị biến dạng khi chụp quá gần. Khâu xử lý phòng tối với các loại thuốc tráng và các công thức đặc biệt giúp phim được mịn hạt cũng cần được coi trọng.
Tuy gọi là ảnh tĩnh nhưng thực ra, một bức ảnh tĩnh vật đúng nghĩa mang một sức sống thầm lặng, bền bỉ, gợi mở cho người cảm thụ nhiều liên tưởng mang ý nghĩa sâu sắc. Ngày nay, ảnh tĩnh vật được ứng dụng trong lĩnh vực quảng cáo với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã trở thành một ngành công nghiệp trong nghệ thuật thị giác hấp dẫn và đầy lý thú.
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia, hãy truy cập tại đây!